Không chỉ là nước sạch

Ngọc Quang 27/10/2023 08:54

Việc người dân Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) gửi đơn đến các cơ quan chức năng một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc cung cấp nước sạch cho những khu đô thị mới. Trước đó, ngày 14/10, hơn 16.000 cư dân sống trong 20 tòa nhà ở đây bất ngờ nhận được “thư” của Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà thông báo đơn vị đã dừng khai thác nguồn nước ngầm. Sống ở chung cư, không có nước thì thật là thảm họa.

Ngày 15/10, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đưa những xe nước đầu tiên hỗ trợ, người dân phải mang xô, chậu xuống sân hứng nước xách lên các căn hộ. Chiều tối hôm sau, tại trụ sở xã Cự Khê, UBND huyện Thanh Oai tổ chức cuộc họp để đối thoại và bàn giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối với vấn đề nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà. Tiếp đó, Sở Xây dựng, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo, phải có nước sạch ngay cho người dân.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước vẫn kéo dài một tuần sau đó, khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

Vì sao nên nỗi? Phải chăng cư dân khu đô thị Thanh Hà không chịu đóng tiền nên bị cơ quan cấp nước “phạt”? Không phải như vậy, mà vấn đề phức tạp hơn nhiều. Bài viết này chưa đề cập đến nguyên nhân từ phía đơn vị cấp nước, mà nhìn nhận vấn đề ở một góc khác. Đó là quy hoạch thiếu đồng bộ, “ăn bớt” hạ tầng ở nhiều khu đô thị mới.

Theo cư dân khu đô thị Thanh Hà, kể từ đầu tháng 10 nước sinh hoạt tại đây bị bẩn, đục, có mùi clo đậm. Người dân lòng nóng như lửa đốt khi biết trạm cấp nước nằm rất gần nghĩa trang, trạm trộn bê tông và kênh mương nước bị ô nhiễm. Theo thông báo của Viện Công nghệ môi trường, kết quả xét nghiệm hàm lượng amoni trong nước gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.

Trong khi đó, theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, quy định tại Thông tư 01/2021 của Bộ Xây dựng thì khoảng cách tối thiểu từ khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng tới điểm lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung là 1.500m. Nhưng với trạm cấp nước Thanh Hà không chuẩn theo quy định ấy, mà chỉ cách hồ chứa nước nghĩa trang chưa tới 500 mét; còn trạm bê tông cũng chỉ cách khoảng 200 mét.

Khu đô thị Thanh Hà của Hà Nội cũng chỉ là một trường hợp điển hình khi từ đầu đã quy hoạch bất hợp lý, chủ đầu tư không xây dựng hạ tầng cơ sở theo cam kết và cơ quan quản lý nhà nước cũng không tích cực kiểm tra, giám sát để buộc chủ đầu tư phải hoàn thiện trước khi người dân vào ở. Người dân bỏ ra khoản tiền rất lớn, nhiều người phải vay mượn để được sống trong chung cư mới xây tiện nghi, chứ không phải là ở tại một nơi thiếu điện, thiếu nước, thiếu sân chơi, thiếu trường học, thiếu cả nơi thu gom rác.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì trong quy hoạch chuyên ngành đã xác định rất rõ các đường ống cấp nước của từng phân khu tại Hà Nội. Đối với những khu vực phát triển đô thị mới, sau khi xây dựng xong hệ thống cấp nước nội bộ, chủ đầu tư phải kết nối với mạng lưới đường ống chung. Sự việc xảy ra tại khu đô thị Thanh Hà là trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý.

Tình trạng “quy hoạch ngược”, có nghĩa là khu dân cư xây dựng trước, tiện ích cung cấp sau và hậu quả thì người dân gánh chịu. Khi sự việc xảy ra thì các cam kết trước đó của cơ quan chức năng, hay chỉ đạo của chính quyền đều khó giải quyết được vấn đề. Vì nếu có giải quyết cấp tốc thì cũng chỉ nhằm làm dịu “phần ngọn” chứ đã sai ngay từ “gốc” rồi.

Tới đây, một câu hỏi nữa cũng cần phải đặt ra: Vì sao nhiều khu chung cư xây mới vẫn cho dân vào ở trong khi hạ tầng còn dang dở? Không thể nói cơ quan chức năng (Sở Xây dựng) và chính quyền địa phương (phường/xã, quận/huyện) không biết. Nếu họ không biết thì là thiếu trách nhiệm. Nếu biết mà làm lơ thì không chỉ thiếu trách nhiệm mà còn là hành vi tiếp tay, “chống lưng” cho sai phạm, không loại trừ động cơ tiêu cực. Khi chủ đầu tư - cơ quan quản lý nhà nước - chính quyền địa phương “bắt tay” thì hậu quả tất sẽ đến, và như đã nói hậu quả người dân sẽ phải gánh chịu.

Siết quy hoạch từ đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm thì không thể nảy sinh bất cập ở những khu đô thị mới. Ngược lại, nếu tiếp tục lơi lỏng thì bất cập ở những khu chung cư mới vẫn sẽ vẫn còn đó như một thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chỉ là nước sạch