'Không chịu lớn' sao có thể ra biển

Tú Anh 09/06/2020 07:00

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ví như mở lối ra đường cao tốc cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước vẫn “chưa chịu lớn” thì sẽ lao đao ngay tại sân nhà nói gì đến ra biển rộng.

Sáng 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Cho đến nay nước ta đã ký 13 FTA song phương và đa phương được cho là tạo động lực “đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: Quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm” nhưng doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chịu cảnh “cớm nắng”.

Có một câu chuyện cười ra nước mắt. Ấy là việc chỉ vài tháng sau khi sáp nhập, một số nhân viên công lực tại những địa phương hợp nhất vào Thủ đô Hà Nội đã không còn nhận khoản phong bì “trà nước” như cũ. Lý do là họ đã là cơ quan công quyền Hà Nội mà như vậy, khoản trà nước không thể còn giống thời “nhà quê” nữa. Dù câu chuyện trên có thể chỉ là chuyện hài nhưng đó cũng là một minh chứng về thực trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị làm khó bởi các cơ quan vốn có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, với khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động (số liệu năm 2019). Ý kiến của nhiều địa phương cho biết, hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ví như, tính từ năm 2016 đến tháng 6/2019, tỉnh Bến Tre có trên 1.500 lượt hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp nhưng chỉ có 265 hộ thực hiện chuyển đổi. Báo chí ví von là tình trạng “không chịu lớn”.

Nếu như trong trường hợp các doanh nghiệp hộ cá thể lý do chủ yếu là để lách luật để giảm mức đóng thuế, thì các doanh nghiệp tư nhân không chịu lớn chủ yếu do những bất cập về chính sách. Tại các diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc thiếu ưu đãi về các điều kiện phát triển như nguồn vốn vay, trong khi các sức ép về thuế phí, thủ tục phiền hà từ các cơ quan nhà nước lại tăng khiến họ chả còn động lực để mở rộng sản xuất kinh doanh khi có điều kiện.

Chia sẻ tại Hội nghị hiến kế cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh…

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.

Ông Lực lưu ý, rào cản lớn nhất hiện nay đối với cải cách thủ tục hành chính là thiếu quyết tâm của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu; đụng chạm tới lợi ích nhóm, nhiều bộ ngành và địa phương muốn giữ lại vì đó là lợi ích; lo ngại thả ra không quản lý được…

Cử tri và người dân hân hoan khi ngày càng có nhiều FTA được ký với các nền kinh tế mạnh của thế giới. Nhưng ngoài niềm vui thì vẫn còn nỗi lo, biển thì rộng mà doanh nghiệp của ta cứ “không chịu lớn” mãi thì có bị “say sóng”? Liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể bơi ra vùng sóng to gió lớn nếu cứ đơn độc, không có phao và không có cả hoa tiêu?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Không chịu lớn' sao có thể ra biển