Nhằm tìm kiếm các giải pháp để phát triển, Học viện Hàng không Việt Nam (VAA) và Đại học Khoa học ứng dụng Armsterdam (AUAS) vừa tổ chức “Hội nghị khoa học quốc tế Hàng không tương lai” trực tuyến.
Hơn 500 diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận xoay quanh các chủ đề: Cơ hội cho ngành hàng không dân dụng thế kỷ 21, Các mô hình quản lý và điều hành sân bay, Phát triển và đổi mới ngành hàng không, Các mô hình dự báo tuổi đời của máy bay dựa trên machine learning, Các mô hình quản lý và phát triển công nghệ số của hãng hàng không, phát triển đô thị tích hợp và Du lịch tích hợp… nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề khó khăn và cơ hội trong tương lai mà ngành hàng không phải đối mặt.
Đáng chú ý, thời gian qua nhiều công nghệ hiện đại vốn đã được áp dụng tại nhiều cảng hàng không (CHK) nhưng chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mở rộng với tốc độ nhanh hơn. Nói như Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng thì chúng ta “không chờ đợi, không chấp nhận sống trong sợ hãi” một cách thiếu chủ động trước đại dịch Covid-19. Thay vào đó, các quốc gia nói chung và ngành hàng không quốc tế nói riêng phải chủ động chuẩn bị thật tốt cho tương lai của mình trong hậu kỳ Covid-19 bằng những giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Trong đó trọng tâm là ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ.
Với Việt Nam, điển hình Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) đã và đang nỗ lực triển khai, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ hoạt động của CHK. Nhiều ứng dụng đem lại tiện ích cho hành khách đã được triển khai kịp thời trong mùa dịch.
Từ giữa năm 2020, hành khách đi máy bay tại một số CHK như Nội Bài, Cát Bi, Chu Lai, Ðà Nẵng… đã thuận tiện hơn do được làm thủ tục tại quầy gần nhất thay vì phải đến đúng khu vực phục vụ riêng dành cho từng hãng. Sự thay đổi này đến từ việc ACV triển khai ứng dụng giải pháp iCUTE tại các CHK, cấu hình lại máy chủ và lập trình để bảo đảm cho nhân viên phục vụ mặt đất truy cập vào tài khoản riêng. Giải pháp này cho phép tích hợp chung dữ liệu để nhiều hãng hàng không cùng sử dụng chung quầy làm thủ tục dành cho hành khách trước chuyến bay. Các hãng hàng không đều có thể sử dụng mỗi khi quầy trống và hành khách chỉ cần nhận diện logo của hãng để vào làm thủ tục. Ðồng thời đáp ứng yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong giờ cao điểm.
Hay như ứng dụng iDanangAirport được ACV triển khai ngay sau khi thực hiện giảm phát thải âm thanh ở CHK quốc tế Ðà Nẵng. Theo đó, hành khách tải phần mềm về điện thoại sẽ nhận được toàn bộ thông tin cập nhật về chuyến bay như giờ khởi hành, đổi cửa ra máy bay, chậm chuyến, hủy chuyến, gửi đến điện thoại di động. Trước đây, đa số hành khách đi máy bay đều tiếp nhận thông tin qua hệ thống loa phát thanh và chỉ một số ít theo dõi qua màn hình hiển thị thông tin (IFDS) cho nên không khỏi lo lắng khi các CHK dần bỏ hệ thống phát loa để giảm tiếng ồn. Giải pháp này giúp hành khách chủ động theo dõi được thông tin, yên tâm về chuyến bay và xây dựng được hình ảnh sân bay văn minh, hiện đại.