Thời điểm này, học sinh lớp 12 THPT đang bắt đầu tìm hiểu cho việc làm hồ sơ thi và tuyển sinh đại học (ĐH) 2022. Băn khoăn mà rất nhiều em đang đặt ra là làm sao biết mình phù hợp với ngành học nào, trường nào?
Các thống kê cho thấy, bình quân hằng năm có trên 70% học sinh lựa chọn bậc ĐH. Hiện có khoảng 900 ngành đào tạo hệ trung cấp, 600 ngành bậc cao đẳng, 400 ngành bậc ĐH. Tại các trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nhìn điểm chuẩn năm 2021 cho thấy có gần 5.000 chương trình có điểm chuẩn khác nhau.
Trên thực tế những mùa tuyển sinh vài năm trở lại đây, tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH không phải là hiếm. Thậm chí có những thí sinh đạt điểm rất cao, nhưng cũng vẫn trượt những ngành hot như y khoa, báo chí... Trong khi cũng nhiều ngành khó tuyển thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, nông lâm nghiệp - thủy sản, dịch vụ xã hội, môi trường và bảo vệ môi trường. Đây là một nghịch lý tuyển sinh, gây lãng phí nguồn tuyển đầu vào.
Vậy chọn ngành học và trường học thế nào cho hợp lý? TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức nêu quan điểm: Tùy theo điều kiện gia đình, năng lực học tập, các bạn có thể chọn ngành học và bậc học phù hợp. Bạn cũng có thể chọn học nghề để đi làm trước và sau đó tiếp tục học. Việc học là suốt đời.
Tại tư vấn tuyển sinh trực tuyến vừa diễn ra, do Bộ GDĐT và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức, ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM cho rằng: Việc lựa chọn ngành nghề rất quan trọng. Nếu có sự lựa chọn đúng sẽ giúp mỗi người phát huy được năng lực, sở trường, giá trị của bản thân, ngược lại, nếu chọn ngành không phù hợp sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, chán nản, bỏ học, thất nghiệp...
Để chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, theo các chuyên gia tuyển sinh, việc đầu tiên các em phải hiểu bản thân mình thích gì? Đam mê gì? Bản thân mình phù hợp với ngành gì rồi hãy đăng ký. Sau khi chọn được ngành học yêu thích bắt đầu chọn trường, trường nào đào tạo ngành này? Trường nào có mức điểm phù hợp bản thân? Trường nào đào tạo trội hơn về lĩnh vực các em chọn… Nếu chọn vào trường có điểm đầu vào quá cao trong khi chưa tự tin vào sức học của mình sẽ dẫn đến rủi ro là không vào được ngành mình yêu thích, mà như thế sẽ khó có động lực để học tập trong suốt 4 năm học.
Lâu nay, phần lớn học sinh đều có xu hướng chọn trường trước rồi mới chọn ngành nghề sau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó dẫn đến nhiều trở ngại trong quá trình học tập, uổng phí thời gian, chi phí và công sức học hành. TS Lê Thẩm Dương đã khuyên các bạn trẻ nên xác định theo vòng tròn hướng nghiệp: Nghề - ngành - trường, tức chọn ngành, nghề trước rồi mới chọn trường sau. Bởi khi đã có bước khởi đầu đúng đắn thì quá trình học tập, làm nghề cũng sẽ có thuận lợi hơn.
Khi lựa chọn nghề, học sinh cần mở rộng diện ngành nghề lựa chọn, từ lĩnh vực để làm cơ sở để chọn ngành, từ đó dẫn đến chọn chuyên môn và cuối cùng là chọn trường phù hợp, đáp ứng cơ sở vật chất. Ngay cả lĩnh vực hẹp, nếu chúng ta lựa chọn, học tập tốt, có năng lực thật sự thì người học vẫn luôn có cơ hội việc làm rất cao.