Không chủ quan với bệnh Alzheimer

Đức Trân 30/09/2023 10:00

Đánh giá của Liên hiệp quốc cho hay, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Một trong những hệ quả của thực trạng này là sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ, trong đó, bệnh Alzheimer là nguyên nhân chủ yếu.

Cụ thể, theo thống kê tại Việt Nam năm 2019, có 531.000 người bị sa sút trí tuệ, dự báo con số này sẽ tăng gấp 3 lần, tức là 1,8 triệu người vào năm 2050. Ước tính có gần 1 triệu người mắc Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác.

Ông Phan Việt Sinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết: “Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của sa sút trí tuệ. Bệnh không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng cũng như toàn xã hội. Ở giai đoạn nặng, người bệnh Alzheimer có thể quên chính mình và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người thân. Đa số bệnh nhân được quản lý tại nhà nhưng nước ta vẫn chưa có các chương trình, dịch vụ hỗ trợ người bệnh và người chăm sóc tại cộng đồng”.

Theo các chuyên gia y tế, người bệnh sa sút trí tuệ sẽ mất dần các kiến thức và kỹ năng đúng trong các hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày, như ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ… Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác đi kèm hoặc khó khăn trong phối hợp kiểm soát các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp… (là những chứng bệnh vốn hay có ở người cao tuổi). Đáng lo ngại hơn, số người mắc bệnh đang gia tăng nhưng tỷ lệ được chẩn đoán và điều trị rất thấp.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) nêu thực trạng: Hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám sa sút trí tuệ ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến khám. Thực tế, nhiều người còn chủ quan với bệnh Alzheimer và tình trạng sa sút trí tuệ. Mọi người thường nghĩ đây là tình trạng lão hóa thông thường hoặc bệnh tuổi già. Chỉ khi có triệu chứng về suy giảm trí nhớ cùng với rối loạn nhận thức khác, bệnh nhân mới đi khám.

Đồng thời, chuyên gia cũng cảnh báo, những năm gần đây tình trạng suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ có xu hướng trẻ hóa. “Trước đây, đối tượng đến khám bệnh lý này chủ yếu trên 70 tuổi thì nay có một tỷ lệ lớn người bệnh từ 50- 60 tuổi. Khoảng 30-40% những người ở độ tuổi này đã phát hiện có tình trạng sa sút trí tuệ” – ông Bình thông tin.

Việc phòng ngừa bệnh Alzeimer là rất quan trọng đối với sức khỏe tâm thần người cao tuổi. Người cao tuổi nên thường xuyên đọc sách báo, chơi đố chữ hay những trò chơi trí tuệ, chơi cờ vì luyện tập trí não có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Một chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau, cây họ đậu, cá, trái cây và chất béo đơn không bão hòa, sử dụng các thực phẩm có chứa acid béo omega-3 (cá hồi, cá cơm, quả óc chó, dầu ô liu…) và thực phẩm có nhiều chất chống ô xy hóa; uống một ly rượu vang đỏ, cà phê mỗi ngày có thể giúp giảm 65% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer; hạn chế đường, muối. Kiểm soát huyết áp khi còn trẻ và giai đoạn đầu ở những người bị Alzheimer có thể là cách hiệu quả giúp trì hoãn ảnh hưởng của bệnh. Không hút thuốc lá để bảo vệ não bộ và sức khỏe của chính mình và người thân. Tập thể dục đều đặn, thường xuyên hàng ngày (đi bộ, bơi, tập gym, yoga) và chế độ ngủ đủ giấc hàng ngày.

Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu đặc trưng đầu tiên của tình trạng sa sút trí tuệ là giảm trí nhớ; nhầm lẫn vị trí các đồ vật và khó tìm lại; nhầm lẫn về thời gian và địa điểm; giảm khả năng phán đoán; ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh; giảm khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định; thay đổi về cảm xúc, tính cách (rối loạn về cách dùng từ)… Do đó, khi có biểu hiện quên kéo dài, quên có xu hướng tăng lên, rối loạn cảm xúc, hành vi cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với bệnh Alzheimer

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO