Thời tiết giao mùa là thời điểm bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, dễ bùng phát dịch. Theo các chuyên gia y tế, bệnh TCM thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ, nhất là ở những trẻ có sức đề kháng yếu. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh cũng như loại thuốc đặc hiệu nên bệnh TCM có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), tuần qua trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 37 trường hợp mắc TCM (tăng 19 trường hợp so với tuần trước đó); nâng tổng số ca mắc TCM từ đầu năm đến nay lên 125 trường hợp (tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023). Đáng lưu ý, tuần qua cũng ghi nhận 1 ổ dịch TCM tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm với 13 ca mắc.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh TCM có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng bùng phát mạnh, nguy cơ tạo thành dịch bệnh cuối tháng 2 đến hết tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Bệnh TCM là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do virus Enterovirus (EV71) và virus Coxsackievirus A16 gây ra. Mùa Xuân thường có nhiều ngày thời tiết nồm ẩm ướt, là điều kiện thuận lợi để 2 loại virus gây bệnh trên phát triển. Nguyên nhân dẫn đến bệnh TCM là do trẻ bị nhiễm phải virus với những dấu hiệu như đau họng, sốt, xuất hiện các nốt mụn nước ở da vùng miệng, chân, tay, mông và đầu gối của trẻ.
TS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, một số triệu chứng thường đến sớm bao gồm sốt cao (38 - 38,5 độ C), cơ thể mệt mỏi, sổ mũi trong mấy ngày đầu. Tiếp theo những nốt mụn sẽ hình thành với kích thước trung bình từ 2 - 3mm. Khi vỡ ra sẽ tạo thành những vết viêm loét khiến trẻ cảm thấy rất đau rát và khó chịu.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ bị mắc bệnh TCM lại không bộc lộ những biểu hiện này, hoặc nếu có thì biểu hiện cũng không rõ ràng, các nốt mụn xuất hiện ở những vị trí khuất, khó nhìn như hồng ban hoặc dạng chấm, khiến các bậc phụ huynh dễ bị nhầm sang dạng bệnh khác.
Thực tế có những phụ huynh nhận định sai về căn bệnh này, ví dụ như chỉ những trẻ dưới 5 tuổi mới bị TCM nhưng thật ra cả những trẻ trên 5 tuổi lẫn người lớn đều có thể bị mắc TCM.
Bên cạnh việc dễ gây nhầm lẫn với biểu hiện của những bệnh lý khác, TCM còn được nhiều bậc cha mẹ cho là bệnh lành tính, việc trẻ khó ngủ hay quấy khóc là điều bình thường do trẻ bị khó chịu bởi các nốt mụn. Tuy nhiên, trẻ có những dấu hiệu này thường sẽ đi kèm triệu chứng khác như hay giật mình, mê mệt, li bì... là khá nguy hiểm.
Theo BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Nhi Trung ương), có hai biến chứng thường gặp với bệnh TCM là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Thời gian qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trẻ gặp biến chứng thần kinh, trong đó điển hình là viêm não.
Bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra, còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trẻ mắc TCM có biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Vì thế, cha mẹ nhớ chú ý để phát hiện triệu chứng này ở trẻ, ngay cả khi trẻ đang chơi và quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Ngoài ra, dấu hiệu trẻ quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ, nếu ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc rồi lại ngủ tiếp thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay, vì đây là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
Đồng quan điểm, TS Đặng Thị Thúy chia sẻ, khi nhận diện sai loại bệnh nhầm sang hiện tượng mọc răng, hăm tã, nốt muỗi đốt, rôm sảy... thì sẽ gây chậm trễ trong việc điều trị khiến tình trạng bệnh của trẻ tăng nặng mà không rõ nguyên nhân. Bệnh TCM có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong chất thải. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh TCM có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Một số biến chứng cần đề phòng đó là viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, suy hô hấp, thở nhanh và những biến chứng này có thể chuyển nặng rất nhanh. Do vậy khi nhận thấy trẻ có triệu chứng sốt, phát ban, giật mình khi ngủ, nổi mụn nước ở vùng chân tay miệng thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm để xác định được nguyên nhân và hướng điều trị ngay từ giai đoạn đầu.
Theo các chuyên gia y tế, cơ chế lây bệnh của TCM thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học.
Chỉ cần một trẻ bị bệnh TCM là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Do vậy để phòng ngừa nguy cơ trẻ mắc phải căn bệnh này, các bậc phụ huynh nên vệ sinh tay chân sạch sẽ cho trẻ, đồng thời thường xuyên khử trùng đồ chơi, vật dụng mà trẻ hay cầm nắm, cho trẻ ăn chín, uống sôi và không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
Nhận biết sớm dấu hiệu trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Các biểu hiện cần lưu ý khi trẻ sốt, kém ăn, khó chịu, đau họng. Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát.Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét, chủ yếu trên lưỡi, lợi và trong má. Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1 đến 2 ngày với tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước.
Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện ở mông hoặc ở cơ quan sinh dục. Trẻ cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc chỉ có thể bị phát ban hoặc loét miệng.