Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bệnh nhi 3 tuổi vào viện do sốt ho dai dẳng. Qua các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốt mò (hay sốt Rickettsia), chỉ số viêm tăng, hội chứng nhiễm trùng, số lượng tiểu cầu giảm…
Gia đình bệnh nhi cho biết, khoảng 5 ngày nay cháu bé xuất hiện sốt nóng, ngày sốt nhiều cơn kèm ho, đã điều trị tại một cơ y tế nhưng tình trạng bệnh không đỡ với chẩn đoán viêm mũi họng…
Gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương để theo dõi và điều trị. Qua các kết quả cận lâm sàng các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốt mò (hay sốt Rickettsia), chỉ số viêm tăng, hội chứng nhiễm trùng, số lượng tiểu cầu giảm, bệnh sốt kéo dài tổn thương nhiều cơ quan được chuyển vào Khoa Nhi để điều trị tích cực.
Sau 3 ngày điều trị theo phác đồ của bác sĩ, hiện tại tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn định, cắt sốt và tiếp tục theo dõi thêm tại Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Theo các bác sĩ, bệnh sốt mò là bệnh truyền nhiễm với đặc điểm nổi bật là sốt kéo dài, phát ban kèm nổi hạch. Bệnh do vi khuẩn gây ra và cần phải điều trị kháng sinh dài ngày. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, nhầm với bệnh khác và điều trị không đúng, độc tố vi khuẩn sẽ lan tràn gây suy yếu các cơ quan, cực kỳ nguy hiểm.
BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trướng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương chia sẻ, cơ sở y tế này cũng thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca sốt mò, thường là ở giai đoạn nặng, suy đa tạng, điều trị hồi sức rất khó khăn và tốn kém.
BS Khiêm cho biết, sốt mò là bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò. Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới.
Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý; sau thời gian ủ bệnh từ 8-12 ngày, bệnh khởi phát với những triệu chứng như sốt cao liên tục, đau nhức đầu, đau mỏi cơ. Trên da có thể có nốt loét đặc trưng (điển hình của sốt mò): thường ở vùng da mềm, ẩm, như bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt). Nốt loét thường không đau, không ngứa, hình tròn/bầu dục. Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ. Sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành một nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét. Sau một thời gian, vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc thâm tùy theo bệnh đang phát triển hay đã lui. Từ khi hết sốt nốt loét liền dần, nốt loét gặp ở 65 - 80% các trường hợp.
Một số bệnh nhân có thể có nổi hạch gần vết loét, phát ban trên da. Trong trường hợp bệnh được chẩn đoán điều trị sớm (5 ngày đầu), kết quả điều trị sẽ rất thuận lợi. Nếu điều trị muộn, hoặc điều trị không phù hợp, có thể có biến chứng nặng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não.
Để phòng bệnh hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo người dân không để ấu trùng mò cắn đốt bằng cách phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo sau 1 lần sử dụng. Nơi ở gần nhiều lùm cây, sông, suối cần được che chắn cẩn thận, phun thuốc diệt côn trùng, vệ sinh sạch sẽ.
Đặc biệt, không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, không được chủ quan nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò.
Các bác sĩ lưu ý, nếu gặp phải 1 trong các biểu hiện sau, người bệnh cần đi khám ngay: Sốt cao đột ngột, sốt cao liên tục, kéo dài, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người. Da xung huyết, kết mạc mắt xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân. Đặc biệt khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, không cắt sốt ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và kiểm tra, không tự ý điều trị và để tình trạng trẻ sốt cao kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.