Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là cách làm hiệu quả để tiếp cận bạn đọc. Dù là ngành tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, thế nhưng lĩnh vực này lại đang có dấu hiệu thụt lùi. Vì sao vậy?
Những dấu hiệu hụt hơi
Những năm gần đây, hệ thống các thư viện trong cả nước đã triển khai thực hiện lộ trình chuyển đổi số với nhiều giải pháp và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Nhiều thư viện đã phát triển được nguồn dữ liệu số tương đối lớn, như Thư viện Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thư mục khoảng 1 triệu biểu ghi.
Với thư viện cấp tỉnh, một số địa phương đã tập trung phát triển dữ liệu số như tài liệu cổ quý, số hóa tài liệu địa chí… Hay cấp độ thư viện đại học, nhiều trường đã và đang xây dựng tài nguyên thông tin số từ các nguồn học liệu số, học liệu mở, số hóa các tài liệu nội sinh là đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án, đề án, báo cáo khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo…
Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực và sở hữu một kho tàng tư liệu khổng lồ, thậm chí đã được triển khai từ năm 2000, nhưng đến nay việc chuyển đổi số của ngành thư viện vẫn đang có dấu hiệu hụt hơi. Ngoài một số điểm đã thực hiện thì nhiều thư viện đến nay mới đang khởi động, thậm chí nhiều đơn vị mới bước đầu tìm tòi, nghiên cứu về chuyển đổi số.
Nói về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Kiều Thúy Nga bày tỏ, hạ tầng công nghệ tại phần lớn các thư viện chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số khi hệ thống thiết bị công nghệ còn thiếu, giải pháp công nghệ còn lạc hậu, không đạt chuẩn. Thực tế hiện nay, hệ thống thiết bị phục vụ việc số hóa tài liệu, xây dựng dữ liệu số tại các thư viện còn thiếu, số lượng rất ít, cá biệt có thư viện còn chưa có thiết bị số hóa để sử dụng.
Dẫn chứng từ thực tế, bà Nga cho biết, Thư viện Quốc gia Việt Nam là đơn vị xây dựng được nguồn tài nguyên thông tin số lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên theo số liệu thống kê hiện nay trên website, thư viện mới chỉ thực hiện số hóa được khoảng 3% tổng số tên sách và 11,1% tổng số báo, tạp chí hiện có. Bên cạnh đó, hạn chế về tài chính hiện nay khiến các hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số bị lùi lại, làm chậm quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch vận hành chuyển đổi số tại các thư viện. Một số thư viện lớn trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, đa ngành, thư viện đại học đã thực hiện nội dung chuyển đổi số thư viện bằng nguồn kinh phí các dự án đơn lẻ, nhưng nguồn này không được bổ sung thường xuyên, không mang tính bền vững.
Nhiều thư viện duy trì cho có
Có thể thấy, dù số lượng thư viện đang hoạt động trên cả nước hiện nay không nhỏ, nhưng để trở thành điểm đến trong thời đại công nghệ thông tin đang gặp khó khăn. Cả nước có khoảng 20.000 thư viện công cộng, nhưng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, trong Luật Thư viện, thư viện công cộng dù có 3 cấp nhưng trên thực tế chỉ ở cấp tỉnh có thư viện hoạt động độc lập. Ở cấp huyện và cấp xã, chủ yếu thư viện chỉ là một bộ phận trực thuộc Trung tâm Văn hóa hay Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao. Kinh phí đầu tư cho thư viện cấp huyện còn rất hạn chế. Từ một đơn vị ngang cấp với trung tâm văn hóa, sau khi bị sáp nhập, thư viện chỉ còn là một bộ phận trực thuộc phòng Văn hóa của các trung tâm. Vì thế ngân sách cho hoạt động thư viện bị thu hẹp, hơn 30% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí.
“Thư viện cấp xã tuy đang duy trì nhưng do không có người phụ trách nên việc triển khai các dịch vụ, đơn giản nhất là mở cửa phục vụ bạn đọc cũng không được thực hiện thường xuyên. Một số xã được các cá nhân, tổ chức hỗ trợ vốn tài liệu và trang thiết bị nhưng không có cơ chế quản lý nghiêm ngặt, dẫn đến mất sách và người dân không đến đọc” - bà Ngà dẫn chứng.
Với những khó khăn cố hữu, việc duy trì hoạt động ở nhiều thư viện hiện nay đang trong tình trạng “cho có”, việc chuyển đổi số vẫn chỉ là đề xuất trên giấy. PGS.TS Trương Đại Lượng - Trường Đại học Văn hóa nhìn nhận, nguồn tài nguyên số hiện nay không nhiều và chủ yếu tập trung tại các thư viện tỉnh, thành phố lớn. Hoạt động chuyển đổi số và hiện đại hóa các thư viện đang diễn ra rất chậm, không đáp ứng được nhu cầu của người dùng và không theo kịp sự phát triển của xã hội.
Thực tế cho thấy, ngoài một số đơn vị lớn, được đầu tư trọng điểm, với các thư viện trực thuộc tỉnh, thành phố hiện nay hoạt động còn thuần túy mang tính chất thư viện, chưa thực sự hiệu quả. Nhiều thư viện chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Với việc đầu tư và hoạt động như hiện nay, thư viện sẽ khó để triển khai và thực hiện thành công các đề án và chương trình có liên quan mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, như phát triển văn hóa đọc, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện và xây dựng xã hội học tập. Hơn nữa, Luật Thư viện cũng cần mở rộng, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ của thư viện công cộng, trong đó có thư viện tỉnh, tạo điều kiện để thư viện phát huy vai trò của mình.
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga, để công tác chuyển đổi số thư viện thành công, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của chuyển đổi số trong hoạt động thư viện, xác định những hạng mục ưu tiên để có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Có định hướng đảm bảo cho sự phát triển đồng đều giữa các loại hình thư viện, xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể, định hướng hoạt động cho từng loại hình thư viện. Đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra, thống kê, đánh giá hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động thư viện, đồng thời có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các thư viện chuyển đổi số hiệu quả.