Theo một nghiên cứu định lượng do GSK Consumer Healthcare thực hiện cho khu vực Đông Nam Á vào cuối năm 2021, có đến 87% người Việt Nam gặp tình trạng răng ê buốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, có tới 48% người vẫn chưa ý thức được vấn đề này.
Răng ê buốt hay răng nhạy cảm là tình trạng răng miệng khá phổ biến, gây ra những cơn đau nhói ở răng khi ăn một số thực phẩm nóng, lạnh hoặc chua, ngọt hoặc quá cứng. Về nguyên nhân, theo TS.BS Phạm Thanh Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng răng ê buốt, trong đó các nguyên nhân chính là tổn thương bề mặt răng, chấn thương và mắc các bệnh lý về răng.
Tổn thương bề mặt răng, mòn men răng là yếu tố nguy cơ gây lộ ngà răng, dẫn đến tình trạng ê buốt. Mòn men răng có thể là hậu quả của việc chăm sóc răng sai cách như: chải răng không đúng chiều, chải răng quá mạnh, quá kỹ lưỡng, chải răng nhiều hơn ba lần một ngày. Sử dụng kem đánh răng có độ mài mòn cao; sử dụng thường xuyên nước súc miệng sạch khuẩn có chứa axit cũng là những nguyên nhân gây mài mòn men răng đáng kể.
Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống nhiều axit như ăn nhiều thức ăn chua, cam chanh, dưa chua hoặc nước ngọt có gas, soda có thể gây mòn răng và phân hủy bề mặt răng và dẫn tới lộ ngà. Một số thói quen xấu như ăn đồ cứng, nhai đá, nghiến răng khi ngủ cũng dần khiến cấu trúc răng bị tổn thương, men răng bị mài mòn.
Các nguyên nhân liên quan đến chấn thương khiến răng bị sứt mẻ cũng làm lộ lớp ngà răng nhạy cảm, dẫn đến tình trạng răng ê buốt. Các tình trạng bệnh lý như tụt nướu, sâu răng, nha chu, viêm tủy răng cũng khiến răng ê buốt.
Giải thích thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng ê buốt do men răng bị mòn, lộ ngà răng, BS CKII Nguyễn Thị Hạnh (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội) cho biết, bình thường ngà răng sẽ được bao bọc và bảo vệ bởi lớp men răng ở phần thân răng và cement răng ở phần chân răng. Ngà răng đóng góp nhiều cho việc tạo màu sắc, nâng đỡ cấu trúc răng, cũng như góp phần vào dẫn truyền các kích thích và tạo lớp bảo vệ cho tủy.
Ngà răng có các ống siêu nhỏ gọi là ống ngà được sắp xếp theo mô hình xuyên tâm xung quanh tủy, kéo dài từ tủy về phía men răng bên ngoài ở thân răng và về phía cement ở chân răng. Khi men răng hoặc lớp ngà bị mài mòn hoặc tổn thương hoặc khi có hiện tượng tụt lợi thì các ống ngà sẽ bị lộ ra ngoài. Khi tiếp xúc với với thức ăn cũng như các đồ uống, các chất dịch trong ống ngà sẽ chuyển động nhanh dưới tác động của nóng và lạnh, tạo ra sự thay đổi áp suất bên trong ống ngà làm hoạt hóa những sợi thần kinh trong răng tạo ra cảm giác ê buốt và đau.
Vẫn theo bác sĩ Hạnh, cấu trúc răng thay đổi theo độ tuổi. Càng lớn tuổi, độ cứng tăng và modun đàn hồi của men răng càng giảm, dẫn đến tình trạng men răng càng giòn và dễ vỡ. Ngoài ra, tẩy trắng răng cũng nằm trong “danh sách” nguyên nhân khiến răng ê buốt.
Do hiện tượng ê buốt răng có nhiều nguyên nhân, nên theo TS.BS Phạm Thanh Hà, để giúp khắc phục trước hết người bệnh cần xác định được nguyên nhân. Mức độ tổn thương bề mặt răng nhẹ, mòn men răng do chải răng hoặc do sinh lý thì có thể sử dụng kem đánh răng chống ê buốt để cải thiện tình hình. Với các tình trạng nặng hơn có thể phải can thiệp y khoa, dùng các chất tác động bề mặt để khôi phục tổn thương, kết hợp duy trì sử dụng kem đánh răng chống ê buốt để bảo vệ răng.
Đối với các vấn đề ê buốt răng do chấn thương vỡ, sứt mẻ răng, hoặc do bệnh lý sâu răng, tụt lợi, viêm nha chu, viêm tủy răng,… thì cần được thăm khám và điều trị giúp răng phục hồi ổn định. Người bệnh sau điều trị cũng nên duy trì sử dụng kem đánh răng chống ê buốt để chăm sóc và bảo vệ răng, cải thiện tình trạng ê buốt.