Trong hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, khoa học đã đạt nhiều thành tựu về dioxin nhưng vẫn chưa khám phá ra cơ chế gây bệnh của nó. Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào mặt lâm sàng thì không thể phân biệt được ai là nạn nhân da cam, ai không phải là nạn nhân da cam khi họ mắc cùng một bệnh giống nhau.
Nạn nhân chất độc da cam rất cần được giúp đỡ.
Tuy nhiên, (đối với Việt Nam) với khoa học đã xác định có 2 tiêu chí để xác định nạn nhân da cam:
1)Tiêu chí phơi nhiễm:
a/ Những người bị phun rải chất da cam trực tiếp lên người hoặc sinh ra, lớn lên, hoặc có thời gian công tác, hoạt động tại miền Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh từ 1961 trở về sau;
b/ Những người từ các nơi khác trở về định cư, công tác tại những vùng bị ô nhiễm nặng như: sân bay, bến cảng, căn cứ quân sự của Mỹ - những nơi là kho bãi lưu trữ hoặc bị phun rải đậm đặc chất da cam..
c/ Con cháu của những nạn nhân da cam mắc các bệnh dị dạng, dị tật, đần độn bẩm sinh.
Những người nêu ở các điểm “a” và “b” là người bị phơi nhiễm trực tiếp. Người nêu ở điểm “c” là người bị phơi nhiễm gián tiếp.
2) Tiêu chí về bệnh tật:
Sau nhiều năm nghiên cứu, Viện Hàn lâm y học Mỹ đã công bố có 13 loại bệnh có liên quan trực tiếp đến chất da cam. Về sau danh mục các bệnh tật này còn được bổ sung thêm. Tham khảo danh mục các bệnh tật của Mỹ công bố, Bộ Y tế Việt Nam đã công bố bảng danh mục các bệnh tật có liên quan đến chất độc da cam dioxin.
Trong 2 tiêu chí đã nêu thì “phơi nhiễm” là tiêu chí xuất phát điểm. Điều này có nghĩa là trước hết phải xem đối tượng có phải là người trực tiếp hay gián tiếp bị phơi nhiễm chất da cam dioxin hay không. Nếu họ không có căn cứ để chứng minh là người như đã nêu ở các điểm a, b, c mục 1 nêu trên thì không thể xét công nhận họ là nạn nhân da cam.
Ở Mỹ, nếu có hồ sơ chứng minh rằng họ đã có mặt tại miền Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh 2 tháng và mắc các bệnh thuộc danh mục các bệnh tật do Viện Hàn lâm y học Mỹ công bố thì được công nhận là nạn nhân da cam. Ở các nước có nạn nhân da cam như Hàn Quốc, Úc, New Zealand cũng đã làm theo cách này. Tuy vậy ở Mỹ cũng như ở Việt Nam đã gặp phải một rắc rối là do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nạn nhân không lưu giữ được hồ sơ chứng minh là họ có mặt tại miền Nam trong thời gian chiến tranh nên họ không được công nhận là nạn nhân da cam.
Ở Việt Nam, tại một số địa phương đã có cách làm như sau:
Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin ở cơ sở lập hồ sơ những người đã từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền Nam Việt Nam, các vùng biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, 5 xã thuộc bờ bắc sông Bến Hải. Danh sách được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã để nhân dân xem xét. Khi đã được công nhận là 1 trong 3 loại đối tượng bị phơi nhiễm chất da cam nêu ở trên thì họ được tiếp tục đưa đi giám định về bệnh tật theo danh mục các bệnh tật mà Bộ Y tế đã công bố.
Việc xét công nhận nạn nhân da cam theo cách trên đây sẽ đảm bảo tính chính xác cao hơn cách làm chỉ đơn thuần dựa vào hồ sơ bệnh án, vào kết luận của giám định y khoa. Nếu chỉ dựa vào tiêu chí bệnh tật thì sẻ xẩy ra tình trạng “cò” về hồ sơ bệnh án. Sẽ không tránh khỏi tình trạng man khai là nạn nhân da cam để hưởng chế độ của Nhà nước.
Theo số liệu điều tra của nữ khoa học gia Sten-man và nhiều nhà khoa học Mỹ khác, thì số người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam không dưới 3, 4 triệu người, trong số đó nạn nhân da cam không dưới 1,1 người. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ LĐTBXH, số người được hưởng chế độ nạn nhân da cam không quá 300.000 người. Số hồ sơ chờ xét duyệt là khá nhiều. Nhiều nạn nhân da cam đã chết trước khi hồ sơ của họ được đem ra xem xét. Không ít người chết đúng vào hôm họ được công nhận nạn nhân da cam.
Đang còn hàng vạn người là nạn nhân da cam, bao gồm dân thường, đang ngày đêm mong mỏi được hưởng chế độ mà Đảng và Nhà nước đã ban hành. Không lý gì một đất nước mà đất đai, môi trường sống và con người từng là đối tượng của cuộc chiến tranh hóa học trên 10 năm với nhiều hậu quả khôn lường của nó mà số lượng nạn nhân lại chưa quá 30 vạn người, ít hơn rất nhiều so với những kẻ tấn công họ, những kẻ chỉ có mặt tại Việt Nam trong thời gian ngắn.
Để đẩy nhanh việc xét công nhận nạn nhân da cam thì trước hết phải căn cứ vào tiêu chí phơi nhiễm. Việc công nhận tiêu chí phơi nhiễm phải dựa vào nhân dân nơi họ lên đường nhập ngũ, dựa vào sự chứng nhận của đơn vị, đồng đội cũ để giải quyết các trường hợp bị thất lạc hồ sơ tham gia chiến đấu, công tác tại những nơi bị phun rải. Tiếp đó mới xem xét đến tiêu chí bệnh tật. Việc dựa vào dân ở cơ sở để khẳng định sẽ nhanh và chính xác hơn sự công nhận của các Sở LĐTBXH.
Nếu vẫn giữ theo cách làm cũ, thì chính sách đối với người có công của Đảng và Nhà nước chậm đi vào cuộc sống. Hơn nữa với cách làm cũ, nghĩa là vẫn coi tiêu chí bệnh tật là tiêu chí quyết định để đòi hỏi phải có đầy đủ hồ sơ bệnh án mới công nhận là nạn nhân da cam thì sẽ dễ xảy ra tình trạng man khai trong việc xác lập hồ sơ bệnh án giả để trục lợi.