Văn phòng Chủ tịch nước vừa có công văn gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ VH-TT&DL về việc thông báo ý kiến của Chủ tịch nước giải quyết các thắc mắc liên quan tới việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (VHNT) năm 2016.
NSND Đinh Ngọc Liên và con gái.
Cụ thể, công văn nêu rõ Chủ tịch nước nhận được kiến nghị của Bộ VH-TT&DL, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đơn của bà Đinh Tuyết Lan (con của tác giả Đinh Ngọc Liên) liên quan đến việc xét tặng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016.
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL thì đây là những trường hợp có tác phẩm chưa được tặng giải theo giải theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghin định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ.
Các cấp Hội đồng đều đã đưa vấn đề này ra thảo luận và nhất trí đánh giá các tác phẩm có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên đã đưa vào danh sách bỏ phiếu và đều đạt tỷ lệ từ 90% trở lên đồng ý ở cả 3 cấp Hội đồng.
Công văn này cho rằng, việc lấy tiêu chí đạt giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm… làm tiêu chuẩn chung cho tất cả các tác phẩm hình thành qua các giai đoạn cách mạng khác nhau, có bối cảnh lịch sử khác nhau, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây đến thời kỳ đổi mới hiện nay, là chưa thật phù hợp với thực hiện.
Thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ VH-TT&DL khẩn trương tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền để giải quyết vấn đề này.
Trước đó, ngày 1/3, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xem xét lại quá trình xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Trong đó, tại phiên họp Thủ tướng đã nhấn mạnh: "Những ai mà được xã hội, dân tộc ghi nhận và thực sự có đóng góp, hy sinh, nhất là các đồng chí đó đã qua đời thì càng phải được chú ý tôn vinh. Trong chiến tranh, không ai đặt vấn đề giải thưởng nhưng những bài ca, tiếng hát, tác phẩm đó còn mãi mãi với dân tộc. Chúng ta xem xét là vì chuyện đó. Nhưng vận dụng như thế nào cho chặt chẽ, quy trình, quy định, bổ sung như thế nào để không bị lạm dụng, không làm phức tạp, đó mới là vấn đề. Hội đồng bình chọn đều là những người nổi tiếng thì chắc chắn ai cũng biết rõ các tác phẩm đó như thế nào”.
Thủ tướng nêu rõ, những người đặc biệt có đóng góp xuất sắc được xã hội, dân tộc và cuộc kháng chiến của dân tộc ghi nhận thì cần có trách nhiệm phải làm rõ. “Không thể vì một quy trình máy móc nào mà cản trở những tài năng đã đóng góp cho đất nước” - Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo “Đừng để xảy ra việc vì giấy tờ, quy trình thế rồi, không thể bổ sung thêm người nào dù người đó có là lãnh tụ hay xuất sắc nhất. Chúng ta phải vận dụng linh hoạt. Ví dụ một người đã hy sinh, họ không còn giấy tờ gì, họ mất cách đây mấy chục năm làm gì còn giấy tờ gì nữa, nhưng tác phẩm của họ để lại cho dân tộc, cho đất nước vẫn còn đó, chúng ta phải có trách nhiệm đánh giá một cách khách quan. Có nhiều tác giả rất nổi tiếng, ai cũng biết và ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của họ. Họ hoàn toàn xứng đáng nhưng bây giờ họ không đạt là do quy định của chúng ta”.
Thủ tướng đề nghị Bộ VH-TT&DL sớm sửa đổi, bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng các giải thưởng này có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt (có đóng góp lớn lao cho nền văn học, nghệ thuật của đất nước, được xã hội, được lịch sử và được công chúng ghi nhận) trước khi trình Chủ tịch nước quyết định.