Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Tổng LĐLĐ Việt Nam cần phối hợp với các cấp các ngành, chăm lo Tết chu đáo cho công nhân, người lao động, không để bất cứ gia đình công nhân, người lao động nào không có cái Tết…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Ngày 12/1, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) tổ chức hội nghị tổng kết công tác Công đoàn năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.
Tạo việc làm mới cho hơn 1,1 triệu lao động
Báo cáo tình hình việc làm, thu nhập của người lao động, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tạo việc làm cho khoảng hơn 1,1 triệu lao động.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày báo cáo tại hội nghị.
Tuy nhiên, có hơn 72.700 doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm.
Thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 5,2 triệu đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Do vậy nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Tình trạng nợ lương tuy có giảm hơn, nhưng vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương với tổng số tiền trên 321 tỷ đồng.
Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền hơn 5.700 tỷ đồng, chiếm 3,3% số phải thu.
Hoạt động Công đoàn năm 2017 được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Triển khai năm “Vì lợi ích đoàn viên Công đoàn”, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết với 18 đối tác là các doanh nghiệp lớn, Công đoàn các ngành, địa phương, Công đoàn cấp trên cơ sở đã ký kết với 1.139 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với các nội dung hỗ trợ đoàn viên (khi có thẻ đoàn viên) mua hàng hóa, dịch vụ với giá ưu đãi, giảm từ 5% đến 25% so với giá niêm yết.
Kết quả, đã có gần 1,7 triệu đoàn viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các doanh nghiệp tham gia các thỏa thuận với tổ chức Công đoàn, giá trị hưởng lợi ước khoảng 526,3 tỷ đồng.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, mở ra những điều kiện mới để tổ chức Công đoàn chăm lo cho công nhân, lao động, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa hoạt động Công đoàn và đoàn viên, người lao động.
Theo Đề án đến năm 2020, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng 50 thiết chế Công đoàn phục vụ đoàn viên công nhân lao động tại các KCN, KCX trên toàn quốc.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có quyết định đầu tư, chuẩn bị đồng loạt khởi công 12 thiết chế Công đoàn tại các tỉnh và đã làm việc với Thường trực một số tỉnh ủy và các cơ quan liên quan để chuẩn bị khởi công xây dựng thiết chế tại tỉnh Hà Nam, Tiền Giang, Quảng Nam...
Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn trong năm 20118, đó là tập trung tổ chức Đại hội Công đoàn cấp tỉnh, ngành và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII; triển khai các hoạt động cụ thể hóa chủ đề "Vì lợi ích đoàn viên": Chủ động trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động, hoạt động và tổ chức Công đoàn, tập trung vào sửa đổi, bổ sung Bộ Luật lao động; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động, nhất là việc thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2018, tiền lương, thưởng Tết năm 2018…
Quang cảnh hội nghị.
Giai cấp công nhân đón nhận cách mạng công nghiệp 4.0
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, bên cạnh những thách thức như nguy cơ mất việc làm, đặc biệt là lao động giản đơn trong các đơn vị dùng nhiều lao động thì cũng có nhiều cơ hội. Cơ hội này sẽ dành cho những người có chuẩn bị trước và nắm bắt được.
Phó Thủ tướng mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam sát cánh cùng Chính phủ để chỉ rõ công nhân lao động cần phải làm gì trước bối cảnh mới này, từ đó tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, hệ thống Công đoàn các cấp phải tiếp tục quyết liệt, quyết tâm để nhân rộng các mô hình tốt tránh tình trạng một số phong trào khi được thí điểm thì hào hứng, khi nhận rộng lại không được chú ý đúng mức.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, 2018 là năm bản lề, năm đánh giá lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là năm diễn ra đại hội Công đoàn các cấp.
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền sát cánh cùng Công đoàn để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng tâm này.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp đến, Phó Thủ tướng lưu ý Tổng LĐLĐ Việt Nam cần phối hợp với các cấp các ngành, chăm lo Tết chu đáo cho công nhân, người lao động, không để bất cứ gia đình công nhân, người lao động nào vì bất kỳ hoàn cảnh, lý do gì không có cái Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tặng hoa, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tặng hoa, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn thời gian qua.