Xã hội

Không để bùng phát dịch dịp Tết

Lê Anh 06/02/2024 07:44

Tại thời điểm này, dù số ca mắc biến thể phụ dịch Covid-19 chỉ ghi nhận gần 100 bệnh nhân và chưa ghi nhận trường hợp tử vong, tuy nhiên TPHCM cũng đã chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng, chống dịch. Ngoài dịch Covid-19, ngành y tế thành phố còn theo dõi chặt chẽ các dịch sốt xuất huyết và dịch tay chân miệng để đảm bảo không xảy ra tình trạng bùng phát dịch phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán.

coverthay2.jpg
Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc đeo khẩu trang nơi tập trung đông người, để phòng các bệnh đường hô hấp. Ảnh: Quang Vinh.

Thông tin về tình hình số ca mắc biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 tại TPHCM, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã phát hiện biến thể phụ JN.1 ở các bệnh nhân nhập viện từ cuối năm 2023 cho đến nay. Đây là một biến thể phụ từ biến thể BA.2.86 của Omicron, được WHO xếp vào nhóm “biến thể đáng quan tâm” (Variant of Interest - VOI).

anh-to-bai-tren.jpg
TPHCM sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trong dịp Tết. Ảnh: Duy Tính.

Ứng phó với biến thể phụ JN.1

Chỉ tính từ ngày 18/12/2023 đến hết ngày 22/1/2024, các bệnh viện của TPHCM tiếp nhận 94 ca Covid-19 điều trị nội trú đến từ TPHCM và một số tỉnh thành khác. Trong số các bệnh nhân nội trú được phát hiện, có 17 ca bệnh nặng phải thở oxy, dù vậy không có ca tử vong do Covid-19. Tất cả ca bệnh nặng đều là người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền nặng) và chưa tiêm chủng đủ các mũi vaccine Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Từ sự gia tăng liên tục của JN.1 tại một số quốc gia trong khu vực, trong đó có TPHCM được HCDC đánh giá, biến thể này có khả năng tiếp tục lây truyền cao hơn hoặc “lẩn tránh” hệ thống miễn dịch của con người tốt hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể hiện đang lưu hành khác.

Dù vậy, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, trong bối cảnh Tết Nguyên đán sắp cận kề, việc giao lưu, đi lại sẽ tăng cao, kèm theo nguy cơ gia tăng số ca bệnh và số ca nhập viện do Covid-19 là hiện hữu. Để phòng, chống Covid-19, ngành y tế TPHCM cũng yêu cầu người dân không chủ quan, lơ là và tiếp tục thực hiện các biện pháp sau để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, người dân cần thực hiện đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người…; hoặc khi có triệu chứng hô hấp. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Đồng thời, vận động người dân tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền…

Sở Y tế TPHCM cũng chỉ đạo HCDC theo dõi sát số trường hợp mắc Covid-19 nhập viện, trong đó số trường hợp nặng phải nhập khoa hồi sức cũng như tiếp tục giám sát các biến thể Covid-19. Đồng thời, Sở Y tế TP đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện luôn trong tình trạng sẵn sàng để tiếp nhận và điều trị các trường hợp Covid-19 cần nhập viện theo các tình huống giả định và kịch bản ứng phó.

Trong cao điểm phòng chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà Nga cũng cho biết, Sở Y tế TPHCM đang giao HCDC giám sát chặt chẽ diễn tiến của bệnh Covid-19 gồm số ca nhập viện, số ca nặng và tử vong. Đồng thời, duy trì hoạt động bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong bối cảnh xuất hiện biến thể phụ JN.1. Nhất là, thực hiện rà soát, quản lý người thuộc nhóm nguy cơ. Theo bà Nga, hiện nay ngành y tế TPHCM cũng đã được nhận nguồn vaccine Covid-19 do Bộ Y tế cung cấp và duy trì tổ chức tiêm chủng hàng ngày tại các trạm y tế của 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 2/2024 của UBND TPHCM, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế TP đang tập trung ứng phó với biến thể phụ Covid-19 là biến thể JN.1. Dù tình hình chung TPHCM vẫn khống chế, miễn dịch cộng đồng đạt 95% và không có nhiều khả năng bùng phát dịch lớn. Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, TPHCM đã triển khai các kịch bản, đặt ra cả tình huống xấu nhất.

anh-nho-bai-tren.jpg
Tập huấn thực hiện test nhanh Covid-19 ở khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM. Nguồn: HCDC.

Chủ động kịch bản chặn dịch

Không chỉ diễn biến phức tạp số ca mắc biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2, Sở Y tế TPHCM cũng ghi nhận các dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Hệ thống giám sát của HCDC từ ngày 22/1/2024 đến ngày 28/1/2024 ghi nhận tới 159 trường hợp mắc TCM. Theo đó, nâng tổng số ca nhiễm tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay lên 858 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao được HCDC ghi nhận ở các khu vực quận 6, 8 và huyện Nhà Bè. Không chỉ TCM, ngay thời điểm tuần lễ cận Tết, TPHCM cũng ghi nhận 207 trường hợp mắc bệnh SXH, dù giảm 28,4% so với trung bình 4 tuần trước, nhưng tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm đã lên đến 1021 ca. Các quận, huyện có số ca mắc dịch SXH trên 100.000 dân cao được ghi nhận tại các quận 1, Tân Phú và quận 12. Để phòng bệnh TCM và SXH, Sở Y tế TP cũng đang thực hiện các biện pháp, trong đó khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế.

Trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành công văn về tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, cúm gia cầm, cúm mùa và các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính khác, không để bùng phát dịch, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Sở Y tế TPHCM cũng đã ban hành 2 kịch bản ứng phó với tình hình diễn biến dịch Covid-19 trong những ngày Tết Nguyên đán. Trong đó, đối với kịch bản số ca Covid-19 nặng dưới 50 ca, các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (25 giường) và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (10 giường), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115 (5 giường/bệnh viện) sẽ được huy động ứng phó. Riêng các trường hợp người lớn mắc Covid-19 mức độ nặng, ca bệnh khó ưu tiên nhập viện điều trị tại Khoa điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Trong tình huống số ca mắc Covid-19 nặng từ 50 – 100 ca, Sở Y tế TPHCM cũng có phương án để Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mở rộng quy mô Khoa điều trị Covid-19, sẵn sàng tiếp nhận tối đa 50 ca, ưu tiên tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, cần hội chẩn. Trong khi đó, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến sẽ chủ yếu tiếp nhận, thu dung điều trị 5 ca/ bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để bùng phát dịch dịp Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO