Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 419 ca mắc Covid-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian gần đây một số quốc gia châu Âu ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và virus hợp bào hô hấp (RSV). Hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, gần nhất là biến thể JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu (Biến thể JN.1 thuộc nhóm biến thể cần quan tâm (VOI), theo phân loại của WHO, là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron).
WHO kêu gọi các quốc gia duy trì đủ năng lực, tính sẵn sàng hoạt động và tính linh hoạt để mở rộng quy mô trong thời gian bùng phát dịch bệnh Covid-19, đồng thời duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu khác và chuẩn bị cho sự xuất hiện của các biến thể mới với mức độ nghiêm trọng hoặc số ca mắc tăng.
Tại Việt Nam, năm 2023, cả nước ghi nhận gần 100.000 ca mắc. Như vậy, từ đầu dịch đến nay cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc, hơn 43.000 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 419 ca mắc Covid-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố. Số ca mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.
Tuy nhiên, ngày 24/1, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch năm 2024 của Bộ Y tế, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thành phố đã phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân nhập viện trong tháng 12/2023 trên địa bàn.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, sự gia tăng liên tục của biến thể JN.1 tại một số quốc gia cho thấy, biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn hoặc “lẩn tránh” hệ thống miễn dịch của con người tốt hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể hiện đang lưu hành khác. Nhìn chung, khi mắc Covid-19, các triệu chứng có xu hướng giống nhau giữa các biến thể. Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19 thường phụ thuộc nhiều vào khả năng miễn dịch và tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Theo TS.BS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), WHO xếp biến thể này vào nhóm biến thể cần quan tâm. Theo đánh giá của WHO, hiện chưa có bằng chứng cho thấy độc lực của biến thể tăng lên, dù số mắc có dấu hiệu tăng lên. Theo BS Đức, chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang lo lắng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay qua số liệu của WHO, chúng ta thấy dịch bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh lây qua đường hô hấp. Trong khi đó, miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, gần đây nhất là biến thể JN.1 đang gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.
TS Vũ Ngọc Long - Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây có sự gia tăng do hiện nay đang trong thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm. Các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B.
Bộ Y tế cho biết, hiện dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; không ghi nhận các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A; các bệnh truyền nhiễm khác ổn định. Tuy nhiên, khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường; đây cũng là thời điểm nước ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, người dân đi lại, giao lưu nhiều là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan và có nguy cơ gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Dịp Tết, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thời tiết có nhiều khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 05/01/2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn số 40/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung như tham mưu UBND tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong thời gian dịp Tết Giáp Thìn.
Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus; chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.
Người dân cần đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi...