Chiều 7/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, gói hỗ trợ lần này (Nghị quyết 68) đã tháo gỡ nhiều “nút thắt”, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực. Theo đó những tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác, nhưng nay đã được tháo gỡ. Chính phủ cũng đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu, phân quyền về cho địa phương tự xây dựng các mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Lao động tự do không còn nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng kéo dài tối đa không quá 3 tháng như trước đây. Thay vào đó, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách địa phương để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể, song không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng mỗi ngày.
Nghị quyết mới cũng bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng. Chẳng hạn, tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ 4 (27/4) đến cuối năm 2021, các ca bệnh F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày, song không quá 45 ngày (tương đương 3,6 triệu đồng), các F1 nhận hỗ trợ như F0 song không quá 21 ngày (1,68 triệu đồng). Trẻ em bị nhiễm covid-19 hoặc cách ly y tế được nhà nước chi trả phí điều trị và tiền ăn, chưa kể mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/cháu trong thời gian điều trị, cách ly. Giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt.
Cũng theo Nghị quyết 68, điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được nới lỏng hơn. Gói hỗ trợ lần này cũng là lần đầu áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Như vậy, so với quy định của Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ được tăng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu.
Cần sự vào cuộc từ phía địa phương
Cùng với đó, các điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo duy trì việc làm cho người lao động đã được đơn giản hóa hơn, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và quy định việc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo.
Có thể thấy tiêu chí của Nghị quyết lần này rất rõ, ví dụ như người lao động chấm dứt hợp đồng lao động dưới 1 tháng, không gắn với điều kiện doanh nghiệp đang sản xuất hay ngừng sản xuất, chỉ cần người lao động có quyết định dừng hợp đồng lao động dưới 1 tháng thì hưởng 1,8 triệu đồng. Với người lao động trên 1 tháng thì được hỗ trợ 1 lần là 3,7 triệu đồng, tức là rất cụ thể và không gắn với điều kiện doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí về việc triển khai gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định việc triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng sẽ được cắt giảm 60% các thủ tục rườm rà và áp dụng các điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất. So với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây bị cho là giải ngân chậm, hồ sơ lần này sẽ được tiếp nhận và giải quyết chỉ 1 - 2 ngày.
Bộ cũng sẽ mở ngay chuyên mục để giới thiệu chi tiết về Nghị quyết, các chính sách mới cũng như tiếp nhận giải đáp các thắc mắc. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến gói hỗ trợ lần này. Mặc dù vậy theo Bộ LĐTB&XH để chính sách được triển khai trên tinh thần nhanh và chính sách rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương.