Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, với cáo buộc vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là kết cục tất yếu phải đến, dù muộn còn hơn không. Điều đó chứng tỏ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Giờ thì nhiều người dù không muốn cũng buộc phải tin rằng: “Hạ cánh” rồi cũng chưa an toàn!
Khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Cùng bị cáo buộc tội danh như với ông Phí Thái Bình còn có nguyên Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Văn Tuân và 5 bị can khác. Cả 7 bị can đều được cho tại ngoại với lý do hợp tác tích cực với cơ quan công an trong quá trình điều tra, nhân thân tốt, mắc bệnh hiểm nghèo... Trước đó, CQĐT không khởi tố ông Bình, ông Tuân và một số người khác cũng với những lý do trên.
Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận về việc CQĐT đã bỏ lọt tội phạm, lãnh đạo Viện KSND Tối cao đã yêu cầu Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế làm rõ vụ việc.
Theo nhiều chuyên gia luật, luật sư, thậm chí cả những người từng giữ chức vụ cao trong các cơ quan tư pháp thì việc khởi tố ông Phí Thái Bình, ông Nguyễn Văn Tuân và một số lãnh đạo của Vinaconex là hoàn toàn chính xác, thể hiện rõ bản chất tố tụng hình sự của Nhà nước là kiên quyết không làm oan, sai cho người vô tội, nhưng cũng tuyệt đối không bỏ lọt tội phạm.
Cụ thể trong trường hợp này, ông Bình, ông Tuân và một số lãnh đạo Vinaconex đã vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chứ không phải là nghiêm trọng.
“Nói có sách, mách có chứng”, điều tra của cơ quan công an cho thấy: Dự án nước sạch Sông Đà do Vinaconex làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2009. Trong quá trình vận hành khai thác, chỉ tính riêng trong 3 năm (2012- 2015), đã xảy ra 14 lần vỡ đường ống nước, phá hủy 18 ống composite cốt sợi thuỷ tinh (tới thời điểm này là 20 lần vỡ ống).
Doanh nghiệp khai thác đã phải chi hơn 13,4 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục sự cố. Không chỉ vậy, sự cố vỡ ống nước đã khiến 177.000 hộ dân (chưa kể các doanh nghiệp trên địa bàn) bị ngừng cấp 1,5 triệu m3 nước sinh hoạt trong tổng thời gian là gần 350h.
Hậu quả mà ông Bình, ông Tuân và một số lãnh đạo Vinaconex gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, song chỉ với các lý do nhân thân tốt, cống hiến nhiều cho ngành xây dựng, bệnh hiểm nghèo, phạm tội lần đầu... nhưng không thể vì thế mà “tha bổng” cho những người này bằng quyết định không khởi tố bị can.
Chiếu theo các quy định hiện hành của Bộ luật Tố tụng hình sự, cũng như Bộ luật Hình sự thì không có bất cứ điều khoản nào quy định phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, cống hiến nhiều... sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Họa chăng đó chỉ là những tình tiết để xem xét giảm nhẹ khi HĐXX lượng hình. Và đây chính là lý do để dư luận xã hội không phục.
Vấn đề ở chỗ việc những người phải chịu trách nhiệm chính lại không hề hấn gì sẽ khiến cho người dân giảm sút niềm tin vào hệ thống pháp luật, từ đó sẽ phát sinh những hệ lụy xấu không thể lường hết được như nhờn luật, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí sẽ ngày càng hoành hành...
Đó chính là lý do mà cả xã hội phải lên tiếng, yêu cầu các cơ quan tố tụng phải chấp hành nghiêm pháp luật, thực thi công lý, xử đúng người, đúng tội, quyết không dung dưỡng tội phạm, không tạo ra tiền lệ xấu cho những trường hợp khác.
Dù muộn nhưng quyết định khởi tố bị can đối với những người nguyên là lãnh đạo Vinaconex cũng phần nào củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự công minh của hệ thống pháp luật. Rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, rằng khái niệm “hạ cánh an toàn” giờ đây sẽ không còn chỗ để tồn tại nữa.
Điều đó không chỉ có tác dụng trấn áp những người trọng vụ án này, hay vụ án khác, mà còn tạo áp lực với sức nặng ngàn cân nhằm răn đe, phòng ngừa những người đang và sẽ có ý định vi phạm pháp luật.Trong xã hội văn minh ngày nay, không thể có chuyện về hưu là xong chuyện.
Điều đó không chỉ được thể hiện tại vụ án này, mà đã được khẳng định trong quyết định kỷ luật đối với các ông Vũ Huy Hoàng (từng là Bộ trưởng Bộ Công thương) và ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh). Dù đã “hạ cánh” nhưng nếu khi “đang bay”, các anh phạm sai lầm di họa đến xã hội thì vẫn cứ bị mang ra “trảm” bình thường. Vì thế mà ông Vũ Huy Hoàng mới bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương (nhiệm kỳ 2011-2016) do đã có những vi phạm về công tác cán bộ.
Vì thế mà ông Võ Kim Cự bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 2010-2015) vì để ô nhiễm môi trường 4 tỉnh miền Trung; còn ông Nguyễn Minh Quang (nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT) bị kỷ luật cảnh cáo...
Với một loạt các quan chức cấp cao ngay cả khi đã nghỉ hưu vẫn bị đưa ra xử lý bởi những vi phạm, khuyết điểm trước đó khiến cho lòng dân náo nức tin rằng, giờ đây thực sự không có “vùng cấm” dù người vi phạm ở cấp nào, giữ cương vị gì.
Khái niệm “hạ cánh an toàn” từ nay có lẽ cũng sẽ bị xóa hẳn trong suy nghĩ của rất nhiều người, trong đó có không ít những người đương nhiệm, đang giữ những cương vị cao, tạo tiền đề cho việc đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...
Và đương nhiên không thể không nhắc tới sự kiện khởi tố những người nguyên là lãnh đạo Vinaconex một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xử nghiêm người vi phạm, mọi sự không dễ... “chìm xuồng”.