Ngày 29-2-2016, các Bộ trưởng, tư lệnh ngành tham dự phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hình như có chung cảm giác nóng hơn, khát hơn trước thông tin hạn hán, xâm nhập mặn mỗi lúc một nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh thuộc vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. “Muốn có nước uống, nước sinh hoạt cho dân thì phải chở tới cho dân, phải hỗ trợ người dân những lúc khó khăn này, không thể để người dân nghèo phải đi xa mua từng lon nước
Cứu khát đang vô cùng cấp bách, hơn cả chống hạn cho đất đai, hoa màu.
Theo TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển Bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (BĐKH), Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam: Từ những đợt hạn hán ở miền Trung năm 2015, Việt Nam đã có được những cảnh báo sơ bộ về sự kéo dài của hiện tượng El Nino năm 2016 từ rất sớm. El Nino kéo dài và mạnh khiến khô hạn ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên khốc liệt nhất so với nhiều năm trước đây. Khô hạn bước vào cao điểm ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 3. Các dòng sông ở Nam Trung Bộ dự kiến sẽ có mực nước thấp hơn trung bình từ đầu năm khoảng 60 – 80%. Các tỉnh Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận đã có gần 23.000 ha lúa đông- xuân phải dừng sản xuất.“Trước đây, chúng ta còn cảm thấy câu chuyện biến BĐKH xa vời nhưng ngay từ 2 tháng đầu tiên của năm 2016, BĐKH đã tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà. Khô hạn ở Tây Nguyên được ông Đào Trọng Tứ nhìn nhận: Là hiện tượng thiên tai khốc liệt, không những phá hoại kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. “Chúng ta không thể sống được nếu một ngày thiếu nước. Không gì có thể sống được nếu thiếu nước”. Ông Đào Trọng Tứ phát biểu điều này với tư cách một nhà khoa học đầu ngành về tài nguyên nước đang cùng các đồng nghiệp sẻ chia cơn khát với hàng vạn ha đất đai canh tác, hàng vạn người dân Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên trước cơn khát không bất ngờ nhưng đầy nghiệt ngã của BĐKH.
“Không thể ngờ hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và khắc nghiệt với ĐBSCL. Lúa chết đầy đồng, người dân thiếu nước sinh hoạt”. Đây là nhận định của hầu hết đại biểu là lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL tại Hội nghị Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ở TP. Cần Thơ ngày 17/2 vừa qua.
Tại Hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra thông tin rất đáng lo ngại: El Nino từ năm 2014 đến năm 2016 sẽ đạt cường độ tương đương với El Nino mạnh kỷ lục của năm 1997, 1998 và dự báo kéo dài khoảng 20 tháng (dài nhất nhất trong vòng 60 năm qua). Cùng với đó mùa mưa đến muộn nhưng lại kết thúc sớm khiến tổng lượng mưa lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20%-50%. Dòng chảy chuyển tiếp đầu mùa khô từ thượng lưu chảy về ĐBSCL ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Không chỉ Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên đối mặt với hạn hán; ngày đầu tiên của tháng 3 (thời điểm được các chuyên gia nhận định là bắt đầu đợt hạn hán khốc liệt, nghiêm trọng và kéo dài), thông tin mới nhất cho biết Quảng Ngãi – một địa phương của khu vực Trung Trung Bộ - có 7.000 ha đất nông nghiệp đứng trước tình trạng không nước tưới. 6.000 người dân nguy cơ không có nước sinh hoạt. 10.000 gia súc không còn nước uống.
Chưa lúc nào các phương án, giải pháp chống hạn, tìm nguồn nước cho đất đai, cho người và gia súc lại khẩn thiết từ như bây giờ. Tại cuộc Hội nghị Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL và chuyến thị sát tình trạng hạn hán ở Nam Trung Bộ những ngày cuối cùng của tháng 2; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo nghiên cứu lại cây trồng, vật nuôi tại khu vực miền Trung ,Tây Nguyên để phù hợp với BĐKH. Cùng với đó là việc yêu cầu Bộ Tài chính đấp ứng ngay lập tức nguồn kinh phí trên 3.000 tỷ đồng cùng với các nguồn kinh phí khác cho hệ thống hồ, đập, hồ chứa. Vấn đề hồ đập trong điều kiện hạn hán vô cùng khốc liệt, đe dọa từng ngày như hiện nay được nhà khoa học Đào Trọng Tứ nhìn nhận: Vẫn là một biện pháp quan trọng nhưng năm 2015 và cả năm 2016 này, rất nhiều hồ chứa cạn kiệt thì đây là câu chuyện của rừng đầu nguồn. Nếu không có giải pháp cấp bách cho rừng đầu nguồn thì tác dụng của hồ chứa vẫn còn hạn chế. Ông Tứ cũng cho rằng, “để có thể ứng phó với hạn hán, đảm bảo nguồn nước, cần phải có các biện pháp quy hoạch tổng thể khoa học, hợp lý; kết hợp giữa các công trình, hệ thống thủy lợi với các giải pháp mang tính cộng đồng. Có thể áp dụng các biện pháp khoa học như tưới nhỏ giọt, tưới phun, nhằm tiết kiệm nước. Với nước sinh hoạt, người dân cũng nên có sự chuẩn bị, chủ động các phương án tích trữ nước để sẵn sàng cho mùa khô”. Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị nên nghĩ đến việc bớt trồng lúa đi vì lúa cần nhiều nước quá, chuyển sang ngô sang đậu, sang các đối tượng cây con khác. Các địa phương luôn chịu hạn hán như Nam Trung Bộ nên chủ động tìm loại cây trồng phù hợp cho cho lợi ích kinh tế thông qua xuất khẩu… Chuyên gia Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) và Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Nông nghiệp (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) đưa ra kịch bản thể hiện hạn hán có thể xảy ra nhiều hơn với mức độ khắc nghiệt hơn trong tương lai, đặc biệt trong giai đoạn 2031 đến 2050 ở khu vực Miền Trung. Dự báo này thật sự là nỗi lo lớn trong tương lai.
Không chỉ có các nhà khoa học mà bản thân người nông dân ở nhiều địa phương đang mỏi mệt, lo lắng vắt sức tìm nguồn nước. Nhiều triệu người dân Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên đang khát nước. Mệnh lệnh hàng đầu “không để dân khát” của người lãnh đạo cao nhất Chính phủ được đưa ra vào “một ngày không bình thường” 29-2 (theo chu kỳ 4 năm), cho thấy cứu khát đang vô cùng cấp bách, hơn cả chống hạn cho đất đai, hoa màu!