Xã hội

Người dân vùng đệm U Minh Hạ chật vật trong khô hạn

Nguyên Du 09/04/2025 10:37

Vào mùa khô, hàng trăm hộ dân sinh sống ở lâm phần rừng U Minh Hạ, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau lại rơi vào cảnh chật vật lo nước sinh hoạt, phải chắt chiu từng giọt nước để duy trì qua mùa khô.

Tình trạng thiếu nước cứ "đến hẹn lại lên" vào thời điểm mùa khô đã khiến cuộc sống của nhiều hộ dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vất vả. Các hộ dân vừa khoan giếng, vừa lo đi xin nước sinh hoạt.

z6456222646995_23155a758952317628014c714ecc6f67.jpg
Nhiều vùng đất ở Cà Mau đang khan hiếm nước ngọt sinh hoạt. Ảnh: Nguyên Du

Vợ chồng bà Danh Thị Ngọc Sươl ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh hằng ngày đi bán rau, giăng lưới kiếm cá bán lo cho 4 miệng ăn nên có tích góp đến mấy cũng không đủ tiền khoan nổi giếng nước sinh hoạt. Để có nước phục vụ sinh hoạt, gia đình bà Sươl phải chật vật xoay sở lấy nước ao, đìa trong rừng về để lắng lại rồi dùng trong sinh hoạt. Xài nước đìa dưới rừng, phải lắng phèn cho trong lại mới dùng được.

“Giặt đồ nước đỏ lòm, tốn xà phòng lắm, còn tắm cho tụi nhỏ phải xả lại nước mưa chứ không thôi rít lắm. Không phải mỗi nhà tôi, mà hàng trăm hộ dân khác ở đây cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng giữa thời điểm tháng 4 nóng nực, oi bức”, bà Sươl nói.

z6478882442445_fdde3747ed7ca76473ffa0029001502e.jpg
Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng phải sử dụng nước ao, đìa cho sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Nguyên Du

Ông Nguyễn Văn Dũng chồng bà Sươl cho biết thêm: “Nước uống phải đi xa xuống ấp 15 cách nhà khoảng 4km xin về lọc lại uống. Người ta thấy mình khổ cũng nhiệt tình kéo đường ống cho mình bơm. Hai vợ chồng làm ngày cỡ 100 ngàn đồng mà mua nước bình uống nữa thì lấy gì ăn”.

Cái nắng cháy da những ngày đầu tháng 4 khiến cư dân tại vùng đệm lâm phần rừng U Minh Hạ thuộc xã Khánh Thuận huyện U Minh càng thêm bức bối vì “khát nước”. Tình trạng thiếu nước kéo dài còn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất trên địa bàn. Hầu hết người dân đều bị thiếu nước sinh hoạt, có những hộ cũng khoan giếng, lấy nước ngầm lên dùng nhưng nước bị nhiễm phèn mặn.

Họ chỉ chứa vào lu, khạp chờ lắng xuống để dành sử dụng dần, nhưng vẫn lo lắng về sức khoẻ. Theo nhiều người dân của xã Khánh Thuận cho biết, tình trạng thiếu nước kéo dài khiến họ chỉ biết trông chờ vào trời mưa.

z6478882437001_e3ccff0b79de71a332da81c053914248.jpg
Bà Lý Thị Xiêl đầu tư khoan giếng nước nhưng khi bơm nước lên lại bị nhiễm phèn mặn phải lắng lại mới dùng được trong sinh hoạt. Ảnh: Nguyên Du

Bà Lý Thị Xiêl hộ dân tộc Khmer cho hay, gia đình có khoan giếng nước nhưng bơm lên nước bị nhiễm phèn mặn mặn, chua chua phải lắng lại mới dùng được trong sinh hoạt. “Nước bơm lên đâu nấu nướng gì được đâu, tưới cây, rau cải còn chết nữa mà. Rửa chén hay tắm cũng vậy, dùng nước phèn xong thì dội lại nước mưa”, bà Xiêl than thở.

Trao đổi với Phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Trần Công Mười - Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết, cao điểm mùa khô hằng năm, các ấp trong lâm phần rừng tràm đều xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Qua thống kê, xã có khoảng 300 hộ dân thiếu nước uống, nước sinh hoạt hằng ngày.

Thời gian qua, cùng sự chung tay của các cấp ngành, các nhà hảo tâm, người dân trên địa bàn được hỗ trợ nhiều dụng cụ trữ nước. Tuy nhiên, vào mùa khô, lượng nước dự trữ cũng không đủ dùng. “Chúng tôi đề xuất với cấp có thẩm quyền, xem xét đầu tư hệ thống dẫn nước nối mạng để phục vụ cho bà con sinh hoạt”, ông Mười nói.

Theo số liệu từ ngành chức năng tỉnh Cà Mau, mùa khô năm 2025, tỉnh Cà Mau có khoảng 1.157 hộ dân không tiếp cận nguồn nước sinh hoạt, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình 506 hộ và xã Khánh Thuận huyện U Minh khoảng 300 hộ dân.

z6456222604839_7ddf9dcf83c8bdb2a004b5c281292999.jpg
Hàng trăm hộ dân sinh sống ở lâm phần rừng U Minh Hạ, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau lại rơi vào cảnh chật vật, phải chắt chiu từng giọt nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyên Du

Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh đã thiết lập các điểm cấp nước tập trung, hỗ trợ dụng cụ chứa nước, vận chuyển nước đến các khu vực khó khăn về nước để người dân có nước sử dụng, nhưng vẫn không thể đảm bảo. Vì thế, hàng năm khi mùa khô đến, tình hình thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân lại tiếp tục diễn ra.

Theo ông Lê Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, qua các số liệu báo cáo của các địa phương, Trung tâm đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất với UBND tỉnh 2 giải pháp gồm: Kéo dài đường ống và xây dựng bể chứa hộ gia đình.

z6456222670891_2488c283e799bfe2ad234ee8eead8551.jpg
Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau sẽ mở rộng mạng lưới đường ống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Thới Bình và huyện U Minh. Ảnh: Nguyên Du

Cụ thể, đầu tư mở rộng 20 km mạng đường ống cấp nước cho 395 hộ dân thuộc xã Biển Bạch, huyện Thới Bình và 15 km cho 150 hộ dân thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Dự kiến kinh phí cho phương án này khoảng 13 tỷ đồng (tương đương 24 triệu đồng/hộ).

Riêng phương án xây dựng bể chứa nước mưa hộ gia đình, quy mô bể chứa dự kiến 48m3 (8m x 6m x 1,4m) phục vụ sinh hoạt cho 111 hộ dân ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình và 179 hộ dân ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Dự kiến kinh phí cho phương án này khoảng 5,2 tỷ đồng (tương đương 18 triệu đồng/hộ).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân vùng đệm U Minh Hạ chật vật trong khô hạn