Thời tiết giao mùa hiện nay là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, điều trị không quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bố mẹ tự mua thuốc, tự xử lý tại nhà sẽ rất nguy hiểm đối với con trẻ. Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…
Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang gia tăng trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), chỉ trong vòng một tuần qua số trẻ em mắc TCM tại thành phố tăng gấp 3 lần so với trung bình một tháng trước.
Gia tăng báo động
Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy, cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có một trường hợp tử vong tại Bình Thuận. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.
Báo cáo mới nhất từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, giai đoạn cuối tháng 5/2022, số ca mắc TCM và sốt xuất huyết đã tăng mạnh so với thời gian trước đó.
Theo thống kê trong vòng một tuần (từ ngày 14/5 đến 20/5), tại Hà Nội ghi nhận 85 ca mắc TCM, tăng 48 ca so với tuần trước đó. Số ca bệnh cộng dồn từ đầu năm 2022 đến ngày 20/5 là 173 ca. Cụ thể, 85 ca mắc TCM được ghi nhận tại 15 quận, huyện trên địa bàn, bao gồm: Đông Anh, Ba Vì, Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Đình, Hoài Đức.
Nhằm hạn chế bệnh tay chân miệng bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Đồng thời thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Còn tại TP HCM, trong tuần vừa qua HCDC đã ghi nhận 628 ca mắc TCM, tăng gần gấp ba lần so với trung bình một tháng trước. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, TP HCM ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc TCM với 96% trẻ bệnh ở độ tuổi 1-5. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Theo HCDC, số ca bệnh TCM có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện. Trong đó, quận 8, Bình Tân, khu vực 2 và 3 của TP Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú có số ca tăng cao so với trung bình 4 tuần trước.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, gần đây mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 100-120 trẻ đến khám mỗi ngày, tăng gấp đôi so với đầu tháng. Đa số trẻ đến khám mắc bệnh nhẹ, một số ít phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng phải thở máy.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM, hai tuần đầu tháng 5 ghi nhận gần 500 ca khám ngoại trú và 40 trường hợp nhập viện và có xu hướng tăng dần. Số ca khám khám tăng gấp 8 lần và số nhập viện tăng gấp 4 lần so với cùng thời điểm tháng trước.
Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống. Hiện, tỷ lệ nhập viện hầu hết ở mức độ nhẹ, mức độ 2B (mức độ nặng) chiếm khoảng 5-6%.
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù TCM không phải là một bệnh mới, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều ngộ nhận sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc con, khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết: Nhiều cha mẹ khi thấy con nổi mụn nước, vẫn theo thói quen cũ là sử dụng thuốc xanh Methylen vô tình che lấp các dấu hiệu, dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ và khó theo dõi tình trạng bệnh.
Đặc biệt, một số gia đình bôi những loại cây cỏ, lá cây hoặc những loại thuốc trôi nổi mà mình không biết được thành phần, cực kỳ nguy hiểm cho trẻ.
Cần chủ động phòng, chống
Trước thực trạng bệnh TCM có xu hướng gia tăng, số ca trở nặng báo động tại các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi các địa phương về việc tăng cường phòng, chống dịch TCM.
Bộ Y tế nêu rõ, bệnh TCM tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9-11 hàng năm.
Dự báo dịch bệnh TCM có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch,... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch Covid-19 và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu chủ động phòng, chống bệnh TCM, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: Rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, trẻ mắc TCM chỉ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi, thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ, hạ sốt khi sốt trên 38 độ C bằng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần uống, có thể lặp lại mỗi 4- 6 giờ khi sốt lại.
Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay... Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Trẻ thường đau họng miệng do vết loét nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn. Vệ sinh răng miệng.
Khi trẻ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích, cách ly với trẻ khác trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ bị sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương:
Cha mẹ không tự mua thuốc điều trị cho trẻ
Thời tiết giao mùa hiện nay là thời điểm bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng. Hầu hết các ca bệnh TCM đều diễn biến nhẹ, điều trị không quá phức tạp.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bố mẹ tự mua thuốc, tự xử lý tại nhà thì các bệnh nhi sẽ dễ bị bội nhiễm.
Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Do đó, cha mẹ tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc.
TS. BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương:
Rửa tay thường xuyên để phòng bệnh
Virus gây bệnh TCM có khả năng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.
Nguy cơ lây lan mạnh nhất là trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, nhưng giai đoạn lây nhiễm có thể kéo dài vài tuần (do virus khu trú trong phân).
Bởi vậy, để phòng ngừa bệnh TCM, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã.
Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (bao gồm đồ chơi) trước tiên với nước và xà phòng, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa chlorine pha loãng. Tránh tiếp xúc trực tiếp (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng) với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm;
Không để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang nhiễm bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hoặc tụ tập đông người cho đến khi khỏe hẳn.
Theo dõi sát sao tình trạng của trẻ nhiễm bệnh và can thiệp y tế kịp thời nếu sốt cao liên tục, mất tỉnh táo và hoặc tình trạng chung diễn biến theo chiều hướng xấu. Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho. Vứt khăn giấy và tã đã qua sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín. Giữ vệ sinh tại nhà, trung tâm chăm sóc trẻ, nhà trẻ mẫu giáo hoặc tại trường học.
Đ.Trân (ghi)