Chính trị

Không để luật chờ nghị định

H.Vũ 22/02/2024 07:06

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua là sự kiện hết sức quan trọng. Nhưng rất quan trọng là đưa luật vào cuộc sống để tháo gỡ những vướng mắc bất cập trên thực tế.

anh-bai-tren.jpg
Ngày 18/1/2024, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Nguồn: quochoi.vn

Ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị, Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới; có khoảng 65 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó Chính phủ phải ban hành Nghị định hướng dẫn các điều, khoản này. Quan trọng nhất là nội dung hướng dẫn phải đầy đủ.

Có thể thấy khối lượng công việc cần chuẩn bị cho đến khi Luật Đất đai có hiệu lực ngày 1/1/2025 là rất lớn. Đồng nghĩa với việc Chính phủ phải ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn để thực hiện luật. Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã rà soát, xây dựng kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024. Theo đó, rà soát kỹ lưỡng những điểm, những điều trong Luật giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết, dự kiến có 9 Nghị định, 6 Thông tư. Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND ban hành. Bên cạnh đó, cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng xong 4 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) và chuẩn bị lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương, gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất; Nghị định của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.

Và vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội trong thời gian qua chính là giá đất. Do chưa có các nghị định để thực hiện nên ngày 5/2/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 44/2014 của Chính phủ, để kịp thời hoàn thiện các quy định về phương pháp định giá đất, đổi mới trình tự xác định giá đất cụ thể để đảm bảo khơi thông nguồn lực đất đai, đồng thời hướng dẫn các địa phương thống nhất triển khai thực hiện việc UBND tỉnh uỷ quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 73 của Chính phủ ngày 6/5/2023.

Hiện dự thảo Nghị định quy định về giá đất đã chính thức được xây dựng xong và chuẩn bị lấy ý kiến. Dự thảo Nghị định này gồm có 6 chương, 44 điều. Trong đó, phương pháp định giá đất gồm 7 điều; Bảng giá đất gồm 4 mục, 18 điều; Định giá đất cụ thể gồm 9 điều; Tư vấn xác định giá đất gồm 4 điều.

Cụ thể, về phương pháp định giá đất quy định việc lựa chọn phương pháp định giá đất; thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất, trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá đất khi thu thập thông tin, trách nhiệm của các đơn vị trong việc cung cấp thông tin; quy định trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất; quy định cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất trong phương pháp so sánh.

Về bảng giá đất quy định căn cứ, nội dung xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất; trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất hằng năm; việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm áp dụng bảng giá đất; thẩm định bảng giá đất bao gồm việc thành lập Hội đồng thẩm định, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định, trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng, các thành viên của Hội đồng và của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định bảng giá đất.

Đối với bảng giá đất được xây dựng theo vị trí đất quy định cách xác định vị trí đất; điều tra, khảo sát, thu thập thông tin giá đất thị trường; xây dựng giá đất trong bảng giá đất theo vị trí đất.

Còn đối với bảng giá đất được xây dựng trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn: quy định cách thiết lập vùng giá trị; lựa chọn thửa đất chuẩn và xác định giá của thửa đất chuẩn; xác định các yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến giá đất và lập bảng tỷ lệ so sánh; tính toán, rà soát, kiểm tra, hiệu chỉnh kết quả xác định giá của thửa đất cụ thể theo thửa đất chuẩn.

Trong khi đó, về giá đất cụ thể quy định căn cứ, nội dung, trình tự xác định giá đất cụ thể; quy định việc chuẩn bị hồ sơ định giá đất cụ thể, lựa chọn tổ chức tư vấn định giá đất cụ thể; thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin.

Về tư vấn xác định giá đất quy định nguyên tắc hoạt động tư vấn xác định giá đất, điều kiện của cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá đất, việc đăng ký hành nghề tư vấn xác định giá đất và thu hồi Chứng chỉ định giá đất.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga (ĐBQH Đoàn Hải Dương) cho rằng, đúng ra theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi dự án luật trình Quốc hội thì đã phải gửi kèm theo cả các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên do Luật Đất đai (sửa đổi) khá đồ sộ, liên quan đến nhiều luật khác nhau, nhiều bộ ngành, ngay cả đến trước khi thông qua luật còn có nhiều điều khoản phải sửa đổi.

Theo bà Nga, bắt đầu từ 1/1/2025 Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, đặc biệt luật có nhiều điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong đó có vấn đề giá đất do đó trong tháng 6/2024 phải xong các văn bản hướng dẫn thi hành luật, bởi không phải văn bản dưới luật ban hành ra thì dưới địa phương có thể thực hiện được ngay. Vì các địa phương còn phải nghiên cứu các văn bản này, sau đó mới áp dụng thi hành được.

“Luật đã được ban hành mà thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện sẽ xảy ra tình trạng luật nằm chờ nghị định. Đây là luật quan trọng, sửa đổi luật nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển kinh tế xã hội thì phải có văn bản hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nhất. Còn thiếu văn bản hướng dẫn thì các điểm nghẽn vẫn khó có thể được tháo gỡ. Lúc đó những nỗ lực của Chính phủ và Quốc hội trong sửa đổi luật chưa đạt được hiệu quả cao nhất” - bà Nga bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để luật chờ nghị định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO