Tại Quảng Nam, lại thêm một mùa khó khăn cho tiêu thụ mực đánh bắt xa bờ. Hàng trăm tấn mực của ngư dân tồn đọng vì thị trường xuất khẩu loại thủy sản này đang gặp khó khăn.
Tàu sắp lớp nằm bờ để chờ bán mực.
Đại hạ giá
Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) những ngày này các tàu cá đánh bắt xa bờ mà đa số là nghề câu mực khơi liên tục cập cảng. Thế nhưng đáng buồn là không khí mua bán, nhất là mực xa bờ hoạt động ảm đạm, giá cả thất thường, ngư dân ngao ngán.
Ngư dân Phan Bá Tùng chia sẻ: “Những năm qua mực đánh bắt xa bờ luôn hạ giá. Nhưng lúc này giá rất thấp. Nếu cách đây vài năm tàu về trong vòng 3 ngày là bán sạch mực với giá giao động từ 170.000 đồng - 180.000 đồng/kg, có thời điểm lên trên 200.000 đồng. Nhưng bây giờ giá thấp quá chỉ từ 120.000 – 130.000 đồng/1kg, kiểu này chắc chắn bọn tui khổ sở rồi chú ơi!”.
Còn ngư dân Phan Bá Linh (trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành), chủ tàu cá QNa 90037 TS công suất 650CV cho biết: “Tàu cá của tôi với 20 bạn thuyền đi biển. Chuyến vừa rồi đánh bắt được 15 tấn mực xa bờ. Nếu như được giá như mọi năm trước thì mỗi lao động có lãi hàng chục triệu đồng nhưng giờ đây giá quá thấp nên nửa tháng rồi vẫn chưa bán được. Chủ tàu, bạn tàu đều méo mặt”
Nhiều chủ tàu cho biết, bây giờ là chuyến cuối năm nên toàn bộ số mực vẫn để chờ giá lên được chừng nào hay chừng đó để bạn thuyền có thêm chút thu nhập trang trải vào cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Nhưng chờ mà vẫn không biết chắc là giá có lên không.
Đối với ngư dân mỗi chuyến biển đánh bắt mực xa bờ kéo dài ít nhất là 2 tháng và mỗi bạn tàu chỉ câu được khoảng từ 4 - 6 tạ mực khô. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, nhu yếu phẩm, tiền phần trăm cho chủ tàu thì mỗi lao động chỉ thu được hơn 10 triệu đồng. Thế nhưng việc khó tiêu thụ mực xa bờ khiến cho đa số ngư dân làm nghề này đối diện rất nhiều khó khăn.
Trước tình trên ngư dân Huỳnh Văn Tiên cho biết: “Chúng tôi dựa vào nghề này để sống mà giá cả bấp bênh quá. Trước đây họ thu mua nhiều lắm vì thị trường xuất khẩu qua Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Bây giờ nghe nói họ mua ít hơn, chủ yếu xuất qua Thái Lan nên cũng không đáng kể, còn bị thương lái ép giá. Thật tình mà nói, chúng tôi đang đứng trước nhiều khó khăn”.
Một thương lái thu mua mực xa bờ cho biết: “Hồi trước thị trường Trung Quốc thu mua rất nhiều chúng tôi mua mạnh, nhưng thời gian gần đây sản lượng xuất qua đó rất khó khăn, chúng tôi cũng không dám mạo hiểm mua nhiều và tăng giá”.
Tìm cách tháo gỡ đầu ra
Qua tìm hiểu, việc thị trường tiêu thụ mực đánh bắt xa bờ gặp khó khăn bắt đầu từ thời điểm tháng 5 đến tháng 6/2018. Lúc đó, thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này là Trung Quốc, nhưng giờ họ thay đổi phương thức mua bán từ tiểu ngạch sang chính ngạch và yêu cầu truy xuất nguồn gốc đã khiến cho hàng trăm tấn mực khô của ngư dân Quảng Nam bị ứ đọng. Còn ngư dân hầu hết họ chỉ biết đi đánh bắt rồi về bán lại cho thương lái. Nếu không bán được mực thì không có tiền để trả cho bạn thuyền, thanh toán nhiên liệu tạm ứng trước mỗi lần ra khơi. Chưa nói cuộc sống của cả gia đình dựa vào những chuyến đi này.
Phân loại mực trước khi đem đi tiêu thụ.
Ngành thủy sản Quảng Nam cho biết, sản lượng khai thác mực xa khơi của tỉnh khoảng 3.000 tấn/năm. Về xuất khẩu thì lâu nay thường xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, ít ràng buộc quy định của ngành chức năng 2 nước, nhưng gần đây họ đã thay đổi phương thức mua bán như nói ở trên.
Nhưng ông Ngô Tân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho rằng, hiện việc xuất khẩu thay đổi phương thức, xuất qua chính ngạch, doanh nghiệp bên Trung Quốc mua sản phẩm thì ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam có truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa. Mà điều này thì mực xuất khẩu của tư thương Quảng Nam chưa thực hiện được. Muốn xuất khẩu bền vững thì phải kêu gọi tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp phía Trung Quốc.
Thực tế nếu không nhanh chóng tìm cách tháo gỡ đầu ra cho mực đánh bắt xa bờ thì nhất định ngư dân vẫn phải tự bơi với vô vàn khó khăn. Do đó các cơ quan liên quan ở Quảng Nam cần nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn này, nhằm tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển.