Ngày 1/8, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện (số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7), các tỉnh, thành phía Nam đã khẩn trương triển khai lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch. Trong đó, có việc không được phép di chuyển bằng xe máy về quê để tránh dịch một cách tự phát như đã xảy ra trong những ngày vừa qua.
Tăng cường vận động, nhắc nhở
Ngay từ sáng 1/8, tại nhiều điểm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 các trục giao thông được tăng cường lực lượng chốt trực. Ông Phạm Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc, địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Thuận thông qua tỉnh lộ 766 cho biết, tại chốt kiểm soát cầu Gia Huynh giáp ranh huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) với huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) từ sáng sớm, người dân chấp hành nghiêm, sáng sớm chưa ghi nhận trường hợp nào di chuyển về quê bằng xe máy.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch huyện Xuân Lộc cũng cho hay, khoảng hai hôm trước ra đường vẫn thấy rất nhiều người dân di chuyển về quê bằng xe gắn máy. Nhưng, sáng 1/8, trên trục quốc lộ 1A từ địa bàn huyện Xuân Lộc về tỉnh Bình Thuận chỉ rải rác một số người vẫn sử dụng xe máy để di chuyển.
Trên các tỉnh lộ 766, 763, 765, lực lượng chức năng của huyện Xuân Lộc cũng tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và vận động bà con nếu ai có mong muốn về quê thì liên hệ với cơ quan chức năng để đăng ký về tập trung, có xe đưa đón chứ không được di chuyển bằng xe máy.
Tại điểm kiểm soát trên quốc lộ 1A, chia sẻ với phóng viên, anh Đào Bá Huy (quê Lagi, Bình Thuận), công nhân làm việc tại KCN Biên Hòa 1 cho biết: “Do không dùng điện thoại thông minh nên không biết được thông tin “cấm” di chuyển xe máy về quê. Mình thấy họ về thì cùng về. Chứ ở lại đâu có việc gì làm. Sáng nay vừa chạy qua chốt trên quốc lộ 1A thì bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe trở lại”.
Tại một điểm phát đồ ăn, nước uống miễn phí cho người đi đường trên quốc lộ 1A, đoạn qua cầu vượt Dầu Giây, huyện Thống Nhất, anh P.X.T cho biết, sáng 1/8 vẫn ghi nhận một số trường hợp về quê bằng xe gắn máy. “Chúng tôi đã phát đồ ăn, nước uống miễn phí. Đa số những người này đều không biết thông tin là không được di chuyển bằng xe máy về quê tránh dịch từ ngày hôm nay”, anh T cho biết.
Tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ở cầu Đồng Nai (phường Long Bình Tân), quốc lộ 1K (phường Hóa An) giáp ranh Đồng Nai và TP HCM - Bình Dương cũng ghi nhận một số trường hợp người di chuyển về quê bằng phương tiện xe máy buộc phải “quay đầu xe”. Trong đó có nhiều người chuẩn bị sẵn giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.
“Rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân nhưng chúng ta buộc phải chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh”, một cán bộ tại chốt kiểm soát dịch bệnh ở cầu Đồng Nai, (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) nói.
Trước đó, tối 31/7, UBND Bình Thuận có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND Đồng Nai dừng việc để CSGT dẫn người lao động trở về tỉnh này do chưa có sự thống nhất giữa hai bên. Theo đó, để đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc tại Chỉ thị 16, tỉnh Bình Thuận đề nghị tỉnh Đồng Nai dừng việc dẫn, đưa đoàn người về bằng xe máy và ngang qua tỉnh khi chưa có sự thỏa thuận, thống nhất giữa hai tỉnh. Tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp ngay toàn bộ danh sách người từ địa phương này về tỉnh Bình Thuận trước ngày 2/8.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho hay, khi nắm được thông tin trên, đã yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh khẩn trương truy tìm những công nhân đã trở về địa phương. Đồng thời, chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản hỏa tốc gửi tỉnh Đồng Nai đề nghị phối hợp, cung cấp danh sách nhằm truy vết số công nhân trở về địa bàn để đưa đi cách ly theo quy định.
Kiểm soát chặt địa bàn “thủ phủ công nhân”
Theo ghi nhận của phóng viên trong 2 ngày 31/7 và 1/8, tại Cổng chào Bình Dương, thuộc địa phận phường Vĩnh Phú, TP Thuận An (quốc lộ 13, đoạn giáp ranh Bình Dương và TP HCM), thường xuyên xuất hiện nhiều tốp công nhân di chuyển đường xa. Trung bình mỗi tốp khoảng 10 đến 50 người chủ yếu sử dụng phương tiện xe hai bánh theo hướng từ TP HCM về Bình Phước và các Tây Nguyên.
Tất cả đều được lực lượng trực chốt phối hợp với lực lượng trực phía TP HCM (bên kia Cầu Vĩnh Bình) hướng dẫn cho người dân quay trở lại TP HCM. Một cán bộ trực chốt ở đây cho biết, đối với những người không đủ điều kiện quy định sẽ được trực chốt hướng dẫn quay trở lại.
Trên quốc lộ 13 đến đoạn đầu TP Thủ Dầu Một, lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ người di chuyển qua địa bàn. Việc lập các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được người dân rất ủng hộ, đa số khi qua chốt chấp hành rất tốt việc kiểm tra, nêu cao ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, do Bình Dương là địa phương tiếp giáp với TP HCM và các địa phương đang có dịch, có số lượng lớn công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, nên nguy cơ tiềm ẩn, phát sinh dịch là rất lớn. Vì vậy kiểm soát chặt chẽ lượng người ra vào những địa bàn tiếp giáo là điều cần thiết.
Riêng huyện Bàu Bàng có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Bình Dương, giáp huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; phía Nam giáp thị xã Bến Cát; phía Đông giáp huyện Phú Giáo và phía Tây giáp huyện Dầu Tiếng.
Chính vì vậy lưu lượng người lưu thông qua huyện rất nhiều, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Huyện cũng đã thành lập 7 chốt kiểm dịch tại các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn. Đối với những người dân địa phương có công việc đi lại qua chốt kiểm dịch cũng được các lực lượng đo thân nhiệt và thường xuyên nhắc nhở chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tại khu vực chốt kiểm soát Covid-19 đặt tại đường ĐT749A, ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, công tác kiểm tra, giám sát y tế người và phương tiện giao thông vào địa bàn đã được các lực lượng làm việc nơi đây triển khai đồng bộ các giải pháp, luôn túc trực 24/24h.
Lực lượng y tế, công an, quân sự mỗi người một việc theo chức năng chuyên môn như đo thân nhiệt, khai báo y tế, lịch sử đi lại, nhất là các trường hợp đến từ các địa phương có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, thực hiện nghiêm việc không để người dân di chuyển liên tỉnh về quê một cách tự phát.