Nhiều ngày qua, dư luận xã hội chứng kiến sự vào cuộc “giải cứu đàn lợn”, từ người dân, doanh nghiệp cho đến các bộ, ngành… Và cao nhất, người đứng đầu Chính phủ cũng đã lên tiếng kêu gọi sự đồng lòng của toàn xã hội để giúp đỡ bà con nông dân chăn nuôi lợn khi giá lợn sụt giảm đến mức kỷ lục kéo dài suốt thời gian qua.
Nếu để nông dân mãi “tự bơi” với sản phẩm của mình, “trụ đỡ” nền kinh tế khó cất cánh.
Vào cuộc giải cứu
Giá thịt lợn hơi giảm sâu là điểm nóng của dư luận suốt từ trước Tết đến nay, song, giá lợn giảm xuống đến mức kỷ lục, chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/kg đã khiến dư luận xôn xao. Theo đó, từ giữa tháng 4 đến nay, người ta chứng kiến sự vào cuộc của tất cả các cấp từ người dân, DN cho đến các sở, bộ ngành trung ương. Cao điểm nhất, hôm 29/4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức kêu gọi toàn xã hội vào cuộc giúp đỡ bà con nông dân, giải cứu đàn lợn khi giá thịt lợn lao dốc thê thảm.
Trước đó, trung tuần tháng 4, liên tiếp các cuộc họp khẩn của Bộ NN&PTNT với mục tiêu tìm ra các giải pháp gỡ rối cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là giải cứu cho đàn lợn đang có nguồn cung ngày càng vượt xa cầu. Ngay sau các cuộc họp khẩn cấp đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có công văn hỏa tốc kêu gọi cộng đồng DN vào cuộc giải cứu đàn lợn cho nông dân. Trong đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu các DN “giảm yếu tố đầu vào như cám, giống, thuốc thú y trên cơ sở rà soát công tác quản trị.
Bên cạnh đó, các DN có dây chuyền chế biến, kho lưu trữ, tập trung mua sản phẩm, chế biến và tạm trữ một phần”. Về lâu dài, theo ông Cường, giải pháp căn cơ là nhanh chóng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm quy mô, đặc biệt là giảm số lợn nái. Theo đó, cố gắng tới năm 2019 giảm đàn lợn nái từ 4,2 triệu còn 3 triệu con nhưng tăng chất lượng để hạ giá thành.
Tiếp đó, ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán lợn hơi rớt giá. Theo ông Trần Tuấn Anh, khi hàng nghìn hộ dân điêu đứng vì giá lợn hơi giảm, lượng thịt lợn tồn không có đầu ra thì đây không còn là vấn đề riêng của Bộ NN&PTNT nữa mà cần có sự chung tay của các bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương. Tại buổi họp khẩn chiều 27/4, Bộ Công thương đã đề ra nhiều giải pháp trước mắt để giải cứu đàn lợn tồn trong dân.
Cụ thể, Bộ sẽ chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở NN&PTNT các địa phương làm việc với DN chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; Tổ chức chương trình kết nối giữa các DN và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường…
Về phía cộng đồng DN, các DN, hiệp hội cũng đã vào cuộc nhằm chia sẻ khó khăn đang dồn trên vai bà con nông dân chăn nuôi lợn trong thời điểm hiện nay. Cụ thể, Ngân hàng LienViet PostBank đã đưa ra gói cho vay hỗ trợ trị giá 500 tỷ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh... với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường. Rồi Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam(AVR) cũng đã có thư ngỏ kêu gọi các DN hội viên đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn. Đại diện Đoàn Thanh niên, Hội Doanh nhân trẻ cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ, ưu tiên sử dụng thịt lợn trong giai đoạn này để tiêu thụ giúp bà con chăn nuôi.
Không chỉ dừng ở những giải pháp nhất thời
Câu chuyện về ngành chăn nuôi lợn mà dư luận đang chứng kiến chỉ là một trong nhiều câu chuyện buồn của ngành nông nghiệp hiện nay. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các vụ giải cứu dưa hấu, giải cứu hành, thanh long… cùng hàng loạt những sản phẩm nông sản khác, nguồn cơn cũng chỉ vì bà con nông dân vẫn nghe theo những “hợp đồng miệng” của thương lái nước ngoài, để ồ ạt trồng, ồ ạt nuôi, rồi thu hoạch cũng ồ ạt dẫn đến nguồn cung bị quá tải trong khi sức cầu có hạn.
Những bất cập trong tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vẫn luôn nóng lên ở bất cứ vụ mùa nào. Theo giới chuyên gia, một trong những lời giải cho bài toán đầu ra cho nông sản chính là xúc tiến thương mại. Phân tích về thị trường nông sản của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Nam- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, sản xuất nông nghiệp đã có thể tạo ra lượng hàng hóa lớn nhưng tiêu thụ và xuất khẩu lại gặp rất nhiều khó khăn.
Thực trạng này đòi hỏi xúc tiến thương mại phải vào cuộc tham gia tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa nông sản, từ thị trường trong nước đến thị trường xuất khẩu. Xúc tiến thương mại là chủ động tìm kiếm thị trường, định hướng cho sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, xúc tiến bán hàng, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. “Đây là những nghiệp vụ mà nông dân còn yếu kém nhưng lại là thế mạnh của các tổ chức xúc tiến thương mại. Nhiều mặt hàng nông sản nông dân sản xuất với sản lượng lớn, chưa tiêu thụ được, rất cần có sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại”- ông Nam nhấn mạnh.
Còn theo GS. Võ Tòng Xuân, không có vốn, hạn chế về kiến thức, không chủ động được thị trường tiêu thụ là những khó khăn, rào cản đối với người nông dân Việt Nam hiện nay. Theo GS Xuân, việc các cấp, các ngành vào cuộc giải cứu đàn lợn hay giải cứu dưa hấu, thanh long, hành tím… như chúng ta đã và đang chứng kiến chỉ là giải pháp nhất thời, không phải là biện pháp để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. “Vấn đề cốt yếu vẫn là làm sao để kết nối giữa nông hộ và DN, thúc đẩy nông dân tham gia vào các chuỗi sản xuất, từ đó giảm thiểu được khâu trung gian, có như vậy sản phẩm nông sản của bà con mới không bị ép giá đồng thời giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tốt hơn. Còn nếu bà con nông dân cứ phải “tự bơi”, tự tìm đầu ra cho con lợn, con gà… như hiện nay thì năm này qua năm khác chúng ta vẫn tiếp tục phải đi giải cứu và đáng lo hơn là sự phát triển bấp bênh từ “trụ đỡ” của cả nền kinh tế”- GS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.