Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có mặt tại tỉnh Hà Tĩnh, kiểm tra tình hình hồ Kẻ Gỗ. Những ngày qua mưa lớn liên tục trút xuống miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh. Nước các hồ thủy điện, thủy lợi ở đây đều đã “no”nước. Theo Phó Thủ tướng, trong vận hành phải bảo đảm mức nước an toàn.
Trước đó, trưa ngày 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành Công điện 28/CĐ-TW gửi UBND Hà Tĩnh về bảo đảm an toàn hạ du hồ chứa, trong đó đặc biệt lưu ý triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn; sẵn sàng phương án xả tràn hồ Kẻ Gỗ và triển khai cấp bách bảo đảm an toàn cho công trình và khu vực hạ du; Huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức sơ tán dân tại các khu vực bị ngập lụt do mưa lũ và ảnh hưởng của xả lũ hồ Kẻ Gỗ.
Cũng trong ngày 19/10, thông tin từ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết đã tăng lưu lượng xả tràn hồ Kẻ Gỗ lên 900 m3/s (từ 7 giờ sáng cũng ngày), do mưa rất lớn liên tục nhiều ngày khiến mực nước hồ Kẻ Gỗ đã vượt mực nước dâng bình thường 0,9m (tương ứng 33,4/32,5 m so với thiết kế). Trước đó, lúc 23h ngày 18/10, Công ty đã thông báo tăng lưu lượng xả tràn lên từ 400 – 500 m3/s.
Với Hà Tĩnh, đợt này không chỉ có hồ Kẻ Gỗ xả tràn, mà các hồ đập khác như Bộc Nguyên, Khe Xai, Tàu Voi, Thượng Sông Trí… cũng xả tràn.
Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phải ra lệnh di dời dân tại những nơi lũ cao, trong đó huyện Cẩm Xuyên di dời 13.300 hộ với 43.200 người; huyện Thạch Hà di dời 1.420 hộ với 2.685 người; thành phố Hà Tĩnh di dời 263 hộ, 700 người.
Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, tại Hà Tĩnh cũng như các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị… mưa có thể ngớt chút ít nhưng chỉ là gián đoạn và sẽ mưa to trở lại, ít ra là từ ngày 21 đến ngày 24/10. Vì thế vấn đề xả lũ, điều tiết nước, giữ an toàn hồ đập cũng như an toàn cho vùng hạ du là vô cùng cấp thiết.
Cũng cần nhắc lại, tại cuộc họp báo chiều 16/10 của Bộ Công Thương, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, cho biết nhiều hồ thủy điện dung tích nhỏ tại miền Trung không có khả năng phòng lũ, cắt lũ, khi nước về qua các tổ máy phát điện sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du.
Cũng theo ông Bảo, các hồ có dung tích lớn, có khả năng cắt lũ, xả lũ, việc chỉ đạo điều hành nằm trong điều hành liên hồ. Các hồ có dung tích phòng lũ thì nguyên tắc trong mùa lũ phải đưa lượng nước về mức đảm bảo phòng lũ, duy trì mực nước đón lũ, làm chậm, giảm lũ về hạ du.
Tại miền Trung, địa hình dốc, trong khi đó đa số là các hồ nhỏ, đập tràn tự do và không có dung tích phòng lũ nên mưa lớn kéo dài nhiều ngày thì độ nguy hiểm gia tăng.
Để tránh nguy cơ ngập lụt, việc điều tiết liên hồ luôn phải được đặt ra và nguyên tắc là khi nước ở hạ du rút mới tiến hành xả. Nếu không sẽ tăng đột ngột lượng nước khổng lồ trút xuống vùng này. Mưa cộng với nước từ các hồ đập xả ra cùng một lúc sẽ dẫn tới ngập lụt lớn với hậu quả rất nặng nề.
Phải tránh bằng được lũ chồng lũ, cũng có nghĩa là không để thiên tai lẫn “nhân tai” ập đến cùng một lúc.
Trong việc này, có quyền lợi của doanh nghiệp hồ đập nhưng cũng là cuộc sống người dân. Thực tế cho thấy không ít chủ hồ đập đã bất ngờ cho xả lũ, kể cả trong đêm khuya, khiến cho người dân trở tay không kịp.
Cũng không thể để tồn tại mãi việc các chủ hồ đập không chịu đầu tư gia cố công trình, mùa khô thì cố sức giữ nước không chịu xả ra mặc cho cây trồng của dân chết khô; mùa mưa lại chỉ nhăm nhăm xả nước để “cứu hồ”.
Như thế là thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu lương tâm. Thật đáng sợ khi điệp khúc mất an toàn hồ đập cứ kéo dài từ mùa mưa bão năm này sang mùa mưa bão năm khác. Tại sao cứ để trạng thái mất an toàn mãi mà không có biện pháp khắc phục? Lẽ nào cứ để những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân vùng hạ du?
Chiều ngày 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”.
Cũng tại cuộc họp, một lần nữa Thủ tướng chỉ đạo phải có kịch bản chi tiết nhất đối với các hồ chứa và các phương án cứu trợ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du.
Mưa lớn vẫn sẽ còn kéo dài, các tỉnh miền Trung tiếp tục phải chịu đựng lũ lụt. Vì thế càng không thể để người dân vừa phải chống chọi với thiên tai vừa phải lo sợ “nhân tai” ập đến.
Mà muốn thế thì kỷ cương phép nước phải nghiêm, ít nhất thì cũng không thể để cho các chủ hồ đập muốn xả lũ lúc nào cũng được, bất chấp đau khổ khôn cùng của người dân vùng hạ du. Chẳng lẽ xả lũ là quyền của chủ hồ đập, còn di dời dân tránh lũ thì để mặc cho chính quyền?