Chia sẻ thông tin về kiểm soát lạm phát để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ông Nguyễn Xuân Định - Phó trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, lạm phát năm 2022 có thể từ 3,6% đến 4,3%.
PV: Giá xăng tăng cùng với giá nhiều loại hàng hóa khác tăng làm lung lay mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2022 do Quốc hội đề ra. Có vẻ như chúng ta đã không lường trước được tình huống này, đặc biệt là với những yếu tố khách quan đến từ bên ngoài, thưa ông?
Ông NGUYỄN XUÂN ĐỊNH: Bộ Tài chính không chủ quan trước diễn biến của năm 2022. Bởi lẽ những nguy cơ và yếu tố tác động là rất lớn và có những yếu tố gần như không thể lường trước được.
Ví dụ như căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Hay như giá xăng dầu là không thể đoán định được. Bình quân tháng 1 giá xăng dầu thành phẩm chỉ 98USD/thùng thì đến thời điểm hiện nay giá xăng dầu thành phẩm đã vượt mức 130USD/ thùng. Ngoài ra giá các mặt hàng khác, như giá than – một trong những chi phí lớn ảnh hưởng đến ngành điện cũng tăng giá. Chính những điều đó là yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới chi phí, đẩy giá thành các mặt hàng khác tăng theo.
Đáng chú ý là hiện nay tình hình chung của lạm phát tại các nước trên thế giới đều cao, trong đó các nước hiện châu Âu hiện đều vượt 5%. Hơn nữa, năm 2022 cũng có một thách thức nữa đó là áp lực thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công do năm 2021 chưa điều chỉnh được. Việc điều chỉnh này sẽ cần sự đánh giá kĩ lưỡng của Bộ Tài chính cũng như các ban ngành.
Hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành xây dựng kịch bản điều hành giá để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá. Trong đó sẽ có những kịch bản mức lạm phát từ 3,6-4,3% và có những kịch bản hơn 4%. Như vậy công tác điều hành giá sẽ phải triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay đó chính là sự “leo thang” của giá xăng dầu. Ý kiến của ông?
- Mặt hàng xăng dầu rất đặc thù vì giá cả phụ thuộc nhiều vào cung - cầu, yếu tố chính trị, yếu tố tâm lý và vị thế của các quốc gia. Ngay cả khi nguồn cung trong nước có đảm bảo thì giá dầu vẫn sẽ phụ thuộc chủ yếu giá xăng dầu thế giới. Giá dầu có những phiên tăng ngoài dự đoán, công tác điều hành giá của Chính phủ là đặt ra kịch bản giá xăng dầu khi tăng ở những mức nào để có chính sách ứng phó trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Đối với mặt hàng xăng dầu và cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay rất minh bạch, được quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 02/01/2022. Công tác điều hành giá xăng dầu trong thời gian vừa qua vẫn được Bộ Tài chính và Bộ Công thương phối hợp rất chặt chẽ để đưa ra được những phương án điều hành tốt nhất trong từng thời điểm.
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ hiện nay là vẫn phải đảm bảo được nguồn cung, không để thiếu hụt ở mọi tình huống, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng cao trong nhiều thời điểm, mọi nguồn cung ở các địa phương, các địa bàn phải được đảm bảo để tránh những tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ.
Khi giá xăng dầu tăng thì giá mặt hàng tiêu dùng cũng tăng. Vậy thì có thể làm gì để hạn chế tác động đó?
- Theo tôi phải đẩy mạnh công tác truyền thông. Đôi khi lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý xảy ra rất mạnh. Cá biệt, nhiều đơn vị kinh doanh có tâm lý “tát nước theo mưa”. Vì vậy, phải nắm bắt, theo dõi sát diễn biến giá thị trường và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, từ đó, sẽ phân tích được nguyên nhân tại sao mặt hàng tăng giá, do tăng giá xăng dầu đầu vào hay không, liệu mặt hàng với mức tăng hợp lý chưa.
Nếu nắm được nguyên nhân do nguồn cung, cần phải khơi thông nguồn cung, tiếp cận những nguồn cung với giá thành tốt hơn. Nếu như nguyên nhân nằm trong lưu thông, phải có những giải pháp để tăng cường lưu thông hàng hóa. Nhận định được nguyên nhân sẽ có những giải pháp trúng, đúng và giám sát, xử lý những vấn đề vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng do giá xăng dầu tăng liên tục, kéo theo giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nên kéo theo lạm phát. Vậy làm sao để kiềm chế lạm phát, theo ông?
- Đầu tiên phải điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa để mặt bằng, lãi suất, tín dụng, tỷ giá được điều hành ổn định và đưa lạm phát lõi, lạm phát cơ bản ở mức thấp.
Năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một nhận định và dự báo kịch bản lạm phát cơ bản có thể ở mức từ 2-2,5%. Vì vậy, việc phối hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đó là giải pháp quan trọng đầu tiên và tiên quyết.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp về chính sách phù hợp trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng. Cục Quản lý giá với vai trò giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, giải pháp quan trọng tiếp theo chính là tăng cường công tác tổng hợp, phân tích dự báo, nhận diện tình hình thị trường để dự báo và chuẩn bị các kịch bản. Giá dầu thế giới biến động thất thường, phải lường trước, đưa ra giải pháp chuẩn bị chủ động, triển khai ngay được trong bối cảnh có biến động bất thường. Kịch bản này không cố định ngay từ đầu năm mà liên tục cập nhật tình hình thế giới nếu có những biến động.
Tiếp theo, tất cả địa phương, các ngành phải theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, bởi giá cả thị trường hiện nay biến động khó lường ảnh hưởng tới lợi ích sát sườn nhất của người dân.
Trân trọng cảm ơn ông !