Kinh tế

Không dễ triển khai mô hình chăn nuôi “xanh”

Khanh Lê 17/09/2024 07:54

Ước tính mỗi năm ngành chăn nuôi trên phạm vi cả nước thải ra 61 triệu tấn phân, trên 304 triệu mét khối nước thải và gần 15 triệu tấn CO2. Vì vậy, việc giảm phát thải trong chăn nuôi là điều vô cùng quan trọng.

anhtren.jpg
Chuyển đổi xanh trong chăn nuôi là xu thế không thể đảo ngược. Ảnh: Chu Khôi.

Chưa được quan tâm

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng duy trì từ 5 - 7%/năm, đóng góp quan trọng vào giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp. Nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững trong Quyết định 1520/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã đề ra những mục tiêu và phương hướng rõ ràng. Mặc dù vậy, việc triển khai chăn nuôi “xanh” gặp không ít những thách thức.

Chỉ ra những khó khăn trong việc giảm phát thải trong lĩnh vực chăn nuôi, bà Trần Thị Bích Ngọc - chuyên viên Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tần Ozon, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kiến thức về các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải còn hạn chế dẫn đến nguồn lực thực hiện chuyển đổi kinh tế tuần hoàn vẫn còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững…

Theo TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiểm soát môi trường và khí phát thải chăn nuôi của Việt Nam là những vấn đề lớn và còn nhiều bất cập, do mật độ chăn nuôi của Việt Nam thuộc tốp những nước có mật độ chăn nuôi lớn nhất trên thế giới. Việt Nam là nước có diện tích tự nhiên đứng thứ 66 thế giới, nhưng có số lượng lợn đứng thứ 6 và gia cầm đứng thứ 2 thế giới... quy mô chăn nuôi nhỏ chiếm tỷ lệ cao; công nghệ xử lý chất thải tuy nhiều nhưng chưa hoàn thiện và phù hợp, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ đang chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất.

Thực tế cho thấy, giảm phát thải trong chăn nuôi là vấn đề nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp (DN), hộ chăn nuôi, tuy nhiên phần lớn các DN, cơ sở trong ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, nguồn nhân lực trong việc xử lý chất thải và kiểm kê khí nhà kính. Đồng thời, hành lang pháp lý và các quy định, chính sách cũng là một vấn đề mà các DN gặp phải khi thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Đề cập về những khó khăn trong việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Tiến - đại diện DN chăn nuôi cho biết, vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi là vấn đề đã kéo dài nhiều năm và vẫn còn là vấn đề “khó”. Bởi thực tế, chi phí chuồng trại, thức ăn, thuốc men… phục vụ chăn nuôi là rất tốn kém. Theo ông Tiến, để áp dụng các quy trình xử lý theo quy chuẩn Việt Nam gần như nằm ngoài năng lực của các đơn vị sản xuất chăn nuôi. Nhất là đối với các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, hộ chăn nuôi cá thể. Do đó, đa số các chất thải tại các chuồng trại vẫn được thải trực tiếp ra ao, hồ, sông, suối… gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường xung quanh.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đánh giá, hàng năm, lĩnh vực chăn nuôi đóng góp 25 - 26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Ước tính mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu mét khối nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển khá nhiều, tuy nhiên lại thiếu sự đồng bộ ở việc xử lý chất thải sau chăn nuôi. Trong khi đó, ngành chăn nuôi Việt Nam phần lớn là chăn nuôi với quy mô nhỏ, điều này đặt ra thách thức rất lớn trong quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, việc chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi xanh không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là con đường duy nhất để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Do đó, một trong những ưu tiên hàng đầu để xanh hóa ngành chăn nuôi là tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, nhằm tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không dễ triển khai mô hình chăn nuôi “xanh”