Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà đều làm mâm cơm cúng ông Công ông Táo để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần đã bảo vệ họ suốt năm vừa qua. Trong ảnh, chị Nguyễn Thu Hoàng (38 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) đang chọn mua đào cành rời tại chợ Tân Mai để ngày 23 cúng ông Công ông Táo. Mâm cúng ông Công, ông Táo mỗi vùng miền có thể khác nhau, nhưng nhìn chung các gia đình chuẩn bị vật phẩm giống khi cúng ngày Rằm, mùng 1 như: Hoa quả, rượu, gà, đĩa xôi, bánh chưng, hương vàng… Đặc biệt trên mâm cúng không thể thiếu cá chép. Người Việt thường cúng cá giấy hoặc cá thật. Cả hai loại này đều có ý nghĩa như nhau, song nếu có điều kiện các gia đình có thể cúng cá chép sống rồi đem phóng sinh bởi việc làm này ngoài ý nghĩa dâng lên Táo quân phương tiện về trời còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Đồ lễ tiểu thương bày bán ở chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào tối 1/2 (ngày 22 tháng Chạp). Trong lễ cúng ông Công, ông Táo không thể thiếu cá chép. Bà Loan, 54 tuổi, là tiểu thương có "thâm niên" gần 20 năm tại chợ Mỹ Đình đang cùng con trai chuẩn bị hàng treo trưng bày để sáng 23 bán sớm. Theo bà, chợ Mỹ Đình bắt đầu họp từ 4h sáng đến khoảng 19h30 hàng ngày. "Đến thời điểm này tôi thấy năm nay bán kém hơn so với mọi năm", bà Loan nói. Cùng chung nhận định, chị Nguyễn Thị Mai 32 tuổi, chuyên bán đồ chín 7 năm qua tại chợ Mỹ Đình cũng cho biết, năm nay lượng khách giảm một nửa so với năm ngoái, sức mua cũng ít hơn. Theo chị Nguyễn Thị Mai, năm nay giá gà, bánh chưng có tăng hơn, còn lại thì vẫn như năm ngoái. "Riêng món xôi, năm nay đa dạng, gồm xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi cốm, tất cả đồng giá 25.000/đĩa", chị Mai cho hay. Theo ghi nhận, khoảng 19h trước thời điểm chợ Mỹ Đình đóng cửa, lượng khách mua đồ lễ cúng ông Công, ông Táo vẫn có nhưng lẻ tẻ.