Ngày 28/7 nhiều vùng tại trung tâm Hà Nội chìm trong ô nhiễm không khí, hầu hết các điểm đo được ở Hà Nội lên đến ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu – có hại cho sức khỏe tất cả mọi người) và ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu – có hại cho tất cả mọi người). Như vậy, sau khoảng thời gian chất lượng không khí được cải thiện, tình hình không khí ở Hà Nội ô nhiễm trở lại đã khiến người dân lo lắng.
Cụ thể, từ 6h30 ngày 28/7, hơn 80 điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng đỏ và tím.
Thông tin từ sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho hay, sáng ngày 28/7, chỉ số chất lượng không khí (AIQ) tại các điểm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội tăng cao, dao động từ 40 - 288. Tại trạm quan trắc Chi cục Bảo vệ Môi trường Kim Bài có một số giờ chạm ngưỡng “rất xấu” (màu tím – mức cảnh báo 5/6).
Tại quận Ba Đình, các điểm đo lên ngưỡng tím như Trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình), Trường mầm non thực hành Hoa Sen, điểm đo tại Đội Cấn, Kim Mã. Tại quận Hoàn Kiếm, một số điểm đo lên ngưỡng tím như tại Hàng Thiếc, Nguyễn Chế Nghĩa, Bà Triệu...
Cùng với đó, các hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, ghi nhận các điểm đo tại khu vực miền Trung, TPHCM thì chất lượng không khí tốt hơn, đều ở ngưỡng xanh và vàng - mức chất lượng tốt và trung bình.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chất lượng không khí sáng 28/7 giảm mạnh do một số nguyên nhân như: Từ chiều và tối 27/7 lượng mưa ở Hà Nội không đáng kể, trời âm u, đứng gió, nhiều mây nên các chất ô nhiễm không khuếch tán được. Hơn nữa, vào giờ cao điểm sáng hôm nay, phương tiện tham gia giao thông cao đã xả ra lượng lớn khí thải khiến chất lượng không khí nhiều khu vực suy giảm.
Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cũng cho rằng, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí: Phát thải cục bộ (hoạt động sản xuất, giao thông…), điều kiện khí tượng (tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm…) và các chất ô nhiễm được vận chuyển từ vùng lân cận. Những ngày vừa qua, điều kiện khí tượng cũng có sự thay đổi tương đối có quy luật. Đêm và ngày không có mưa, lặng gió (tốc độ gió thấp từ 0.3 – 1.8 m/s), hướng gió không cụ thể (quẩn gió), ban ngày nắng nhẹ, nhiều mây, về đêm nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện 1 lớp sương mù tầm thấp bao phủ toàn Thành phố. Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Dưới điều kiện như vậy, các chất ô nhiễm không thể thoát lên cao hay vận chuyển sang vùng khác mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, tích tụ trong lớp không khí này, gây ô nhiễm cục bộ.
Kết quả quan trắc cho thấy, thời điểm bụi tăng cao thường tập trung vào sáng sớm trong thời gian người dân đi làm và học sinh đi học. Do đó, để có thể bảo vệ cho chính sức khỏe bản thân và gia đình, sở TN&MT Hà Nội khuyến cáo, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí nơi mình đang sinh sống thông qua các trang công bố chất lượng không khí để có các biện pháp phòng tránh.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường cũng đặt ra 2 giả thiết để chất lượng không khí được cải thiện trở lại: Thứ nhất, khi khu vực Hà Nội có mưa rào và dông sẽ giúp hòa tan các chất ô nhiễm và bụi mịn lơ lửng trong bầu khí quyển. Thứ hai, nhiệt độ tăng cao, trời nắng, quang mây và có gió thổi mạnh cũng sẽ đẩy các chất ô nhiễm lên cao.
Để cải thiện chất lượng không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị người dân hạn chế đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; giảm sử dụng phương tiện cá nhân... Các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông trong giờ cao điểm ở những khu vực thường xuyên ùn tắc...
Bộ Y tế khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu) trở lên, người dân nên hạn chế ra đường phố, đi tập thể dục, lao động ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường.
Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Người có bệnh hô hấp, người già, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.