Để tạo sức lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước, các gương điển hình tiên tiến trong cộng đồng cần thực hiện đồng bộ 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Bà Trần Thị Hà.
Các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đã chia sẻ như vậy với Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa bà, 70 năm qua thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hẳn chúng ta đã phát động được những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cả nước?
Thứ trưởng Trần Thị Hà: Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua chúng ta đã tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước. Nhìn chung, các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều đổi mới, phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, các vùng miền của Tổ quốc, được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực.
Thi đua đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều phong trào thi đua có quy mô lớn, được tổ chức trong thời gian dài đã trở thành những phong trào quần chúng rộng lớn, có tác động sâu rộng trong đời sống của người dân, như phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo” ; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vì an ninh của Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”… đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, các phong trào thi đua đã bám sát yêu cầu thực tiễn của đất nước, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước.
Trong phong trào thi đua yêu nước nói chung, các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến vẫn là những hạt nhân quan trọng. Chúng ta đã quan tâm, nhân rộng những mô hình, điển hình này thế nào thưa bà?
- Thực hiện lời dạy của Bác “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến luôn là một trong những nội dung trọng tâm trong việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã ban hành kế hoạch tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, mô hình mới giai đoạn 2016-2020. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Hàng năm, giới thiệu các tấm gương điển hình, mô hình mới, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình, thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh; tổ chức gặp mặt, nói chuyện, giao lưu với các điển hình tiên tiến...góp phần khích lệ, nêu gương, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tạo sức lan tỏa ra toàn xã hội và tạo không khí thi đua sôi nổi trong cả nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, các cá nhân, điển hình tiên tiến được tuyên dương vẫn vắng bóng các cán bộ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chủ chốt trong khi nếu người đứng đầu là những tấm gương tốt sẽ tạo sức lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn. Vậy tại sao điển hình tiên tiến ở khu vực này lại vắng bóng và làm sao nhân rộng thưa bà?
- Trên thực tế đã có nhiều gương điển hình tiên tiến là cán bộ lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương đã được biểu dương, tôn vinh và khen thưởng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trong đó có nêu: “...Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số...” Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cấp, các ngành luôn chú trọng việc biểu dương, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vùng sâu, vùng xa, qua đó tạo động lực thi đua từ cơ sở và thông qua các phong trào thi đua tiếp tục biểu dương, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu, xuất sắc.
Sự phát triển kinh tế đất nước luôn có đóng góp một phần không nhỏ từ các phong trào thi đua, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, phong trào thi đua có lúc, có nơi vẫn còn mang tính hình thức. Vậy ý kiến của bà về vấn đề này thế nào và đâu là giải pháp để đẩy mạnh phong trào thi đua bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn mới?
- Trước hết phải khẳng định rằng, trong những năm qua các phong trào thi đua trong cả nước đã có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế một số phong trào thi đua có lúc, có nơi vẫn còn hình thức, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Để thi đua yêu nước thật hiệu quả thiết thực, tôi cho rằng cần đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng các phong trào thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, tập trung vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó, còn bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; thi đua cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, lấy kết quả công tác thi đua, khen thưởng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến theo hướng thiết thực, phù hợp với thực tiễn đất nước và yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới, đảm bảo thực hiện đồng bộ 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng đột xuất, kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua.
Trân trọng cảm ơn bà!