Giải cứu- mấy năm qua cụm từ này được sử dụng với tần suất nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông. Có đủ thứ cần giải cứu, nào là giải cứu giáo viên, giải cứu thanh long, giải cứu dưa hấu, rồi giải cứu tôm hùm... Thậm chí có một người còn lợi dụng “gắn mác giải cứu” để bán hàng hóa với giá đắt. Lẽ thường, giải cứu chỉ là biện pháp ứng phó nhất thời để giải quyết sự việc gay cấn trước mắt, vậy nhưng nó lại cứ lặp đi lặp lại, thì rõ là không ổn.
Giải cứu dưa hấu.
Cư dân mạng những ngày qua đã được trải qua cảm xúc “cười ra nước mắt”, khi chứng kiến tấm ảnh mấy cô giáo căng biển “giải cứu giáo viên mầm non” trên quán bán hàng trước cửa Trường Mầm non tư thục “Ngôi nhà trẻ thơ” ở TPHCM. Lý do cần “giải cứu” của các cô là học sinh nghỉ học tránh dịch Sars-CoV-2, nhà trường không thu được học phí của phụ huynh nên không thể phát lương. Có người ủng hộ và thương các cô, có người lại cho rằng như vậy là làm xấu đi hình ảnh cao quý của nghề giáo.
Trước đó, cộng đồng mạng chia sẻ “rần rần” lời phát động giải cứu dưa hấu, thanh long cho bà con nông dân. Giải cứu là cách chúng ta chia sẻ và cảm thông với công sức, mồ hôi, nước mắt của bà con nông dân. Điều này rất đáng trân quý. Song, giải cứu lại không phải là giải pháp căn cơ giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống, mà chỉ là phương cách gỡ rối trước mắt. Khi thanh long, dưa hấu, sầu riêng... không thể tiêu thụ, theo lời kêu gọi, rất nhiều người chẳng mấy khi ra chợ bỗng mua một lần mấy chục kg trái cây mang biếu đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng. Rồi có những người bỏ tiền túi ra mua cả tấn dưa hấu mang ra lề đường phát miễn phí cho người dân.
Nhìn chung, cứ có ế ẩm, ùn ứ, bế tắc là nơi nơi lại hò nhau giải cứu. Với các mặt hàng nông sản, mỗi năm lại có một lý do để mọi người... giải cứu. Lần này, lý do giải cứu thanh long, dưa hấu, tôm hùm... là bởi dịch Sars-CoV-2 nên nông sản, hải sản không thể xuất đi được. Song, vấn đề ở chỗ, những năm trước có dịch bệnh gì đâu mà cứ đến mùa vụ thu hoạch, xã hội lại phải giải cứu nông dân? Lý do rất đơn giản là phía đối tác Trung Quốc ngừng nhập hàng khiến hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau nằm chờ tại các cửa khẩu biên giới, để rồi lại đổ đi hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn hoa quả hư hỏng.
Nói như vậy không phải người viết bài phản bác lại tình cảm mà cộng đồng xã hội dành cho nông dân bằng việc giải cứu nông sản. Song, cũng phải khách quan xem xét thấu đáo mọi vấn đề có liên quan, ngõ hầu tìm ra giải pháp căn cơ cho cuộc sống của bà con nông dân, chứ không phải bấp bênh trông chờ vào sự giải cứu. Giả sử đến một lúc nào đó, lời hiệu triệu giải cứu nông sản trở thành nhàm và sẽ rất ít người tham gia thì nông sản do người nông dân làm ra sẽ phải làm sao để tiêu thụ? Khi đó người nông dân sẽ sống bằng gì, làm sao trả nợ vay ngân hàng khi đã trắng tay?
Năm nào cũng xảy ra hiện tượng ùn ứ sản phẩm nông sản, tại sao ngành công thương không có giải pháp gì để giúp đỡ nông dân? Chẳng hạn tăng cường tiêu thụ thị trường nội địa, mở rộng thị trường nước ngoài, không phụ thuộc vào duy nhất một thị trường. Tại sao ngành nông nghiệp không thể rút ra được bài học kinh nghiệm để có thể đưa ra định hướng cho bà con nông dân sản xuất cây gì, con gì để có thể dễ dàng tiêu thụ sản phẩm? Chừng nào nông dân còn phát triển tự phát thì chừng đó xã hội vẫn cần phải giải cứu.
Có lẽ cũng cần nói rằng, khi mà vẫn được giải cứu thì bà con nông dân vẫn cứ sản xuất theo cảm tính, chứ không hề có sự tính toán cân nhắc kỹ lưỡng về đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Khi mà xã hội vẫn chung vai giúp đỡ tiêu thụ nông sản thì các cơ quan quản lý nhà nước chưa thấy được trách nhiệm của ngành mình trong việc để bà con nông dân sản xuất ồ ạt, tự phát để rồi điêu đứng khi không thể tiêu thụ được sản phẩm.
Đó là còn chưa kể, một số ít nông dân, doanh nghiệp đầu mối thu mua nông sản có thói quen làm ăn không đàng hoàng. Khi suôn sẻ, tiêu thụ “thun thút” tới đâu hết tới đó thì không cần quan tâm đến thị trường trong nước, thậm chí nâng giá lên cao “chặt chém” người tiêu dùng. Đến khi vấp phải khó khăn thì lại kêu gọi xã hội chung tay giải cứu. Thay vì sản xuất ồ ạt với chất lượng thấp, hãy đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm chất lượng cao để xuất sang các thị trường lợi nhuận cao. Và quan trọng hơn, thay vì đợi xã hội giải cứu, hãy tìm cách tự cứu mình trước. Tin rằng lúc đó sẽ không còn hội chứng giải cứu nữa.