Bệnh phong là loại bệnh lây qua tiếp xúc, gây tổn thương da và dây thần kinh, có thể gây tàn tật nhưng khó lây lan. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các ca bệnh mới được phát hiện với những triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và mô bệnh học biến đổi, đã đặt ra thách thức lớn trong chẩn đoán bệnh.
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (47 tuổi) có biểu hiện bệnh trong khoảng 3 năm nay. Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh khởi phát với ban đỏ, ngứa ở bàn tay hai bên kèm dát đỏ ở mặt, tăng nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, đau khớp gối và khớp cổ chân. Bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện và được chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống, kết quả xét nghiệm miễn dịch âm tính, điều trị bệnh tiến triển từng đợt.
Trước khi vào viện 1 năm, bệnh nhân có hoại tử đầu ngón hai bàn chân phải, được điều trị cắt cụt. 3 tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dạng cục ở vùng cẳng tay, cẳng chân và thân mình, tổn thương đỏ, ấn đau, một số mất đi để lại dát thâm, kèm sốt. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, sống tại Hà Nội, trong gia đình, khu vực xung quanh không có bệnh nhân phong xác định; bệnh nhân không di chuyển đến vùng dịch tễ.
Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận: Bệnh nhân có tổn thương dạng hồng ban nút; phù nề nhẹ 1/3 dưới cẳng chân phải, ấn đau; da mỏng, giãn mạch do tác dụng phụ của của corticoid; mất đốt xa ngón 2 bàn chân phải...
Qua khai thác lâm sàng, bác sĩ hướng đến các chẩn đoán: mycosis fungoides, hồng ban nút, bệnh phong, cơn phản ứng phong loại 1 hoặc loại 2. Cuối cùng, bệnh nhân được chẩn đoán phong thể LL-cơn phản ứng phong loại 2 có nhiều điểm phù hợp nhất.
Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ phong thể nhiều vi khuẩn. Theo dõi điều trị sau 10 ngày, bệnh nhân có đáp ứng tốt, không sốt, cơ năng hết đau, hầu hết tổn thương hết đỏ, trở thành dát tăng sắc tố.
Các bác sĩ cho rằng, thực tế, trên thế giới đã có nhiều báo cáo ca lâm sàng chẩn đoán nhầm bệnh phong với các bệnh hệ thống, đặc biệt là lupus ban đỏ hệ thống, và một số trường hợp đồng mắc. Trong đó các triệu chứng lâm sàng gây nhầm lẫn hay gặp nhất là tổn thương da, ban đỏ ở mặt, tổn thương thần kinh, viêm khớp và hội chứng Raynaud.
Một nghiên cứu ở Brazil đã chỉ ra có 16% dương tính giả khi áp dụng tiêu chuẩn ACR 1997 chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống cho 100 trường hợp bệnh nhân phong. Sự thiếu sót trong hiểu biết và đặt ra chẩn đoán phân biệt bệnh phong, nhất là ở các vùng không có yếu tố dịch tễ (do thời gian ủ bệnh dài, biểu hiện lâm sàng đa dạng, số lượng ca bệnh ít), có thể gây chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị không phù hợp cho bệnh nhân.
Chính vì thế các bác sĩ nhấn mạnh, trong thực hành lâm sàng, cần luôn chú trọng đặt ra chẩn đoán phân biệt khi có dấu hiệu nghi ngờ và khẳng định lại bằng hình ảnh mô bệnh học, từ đó có thể điều trị sớm cho bệnh nhân phong.
Theo BS Đinh Hữu Nghị (BV Da liễu trung ương): Bệnh phong là một bệnh rất khó lây. Báo cáo cho thấy tỷ lệ lây lan giữa các cặp vợ chồng trong đó có 1 trong 2 người bị chỉ là 3-6%, rõ ràng khả năng lây nhiễm của bệnh thấp hơn rất nhiều so với các bệnh nhiễm trùng khác như viêm gan virus, bệnh cúm...
Khi bố mẹ mắc bệnh phong đã được chữa khỏi thì 100% không có khả năng lây nhiễm sang người khác, kể cả con vì cơ thể họ hoàn toàn không còn vi khuẩn để có thể lây nhiễm.
Tuy nhiên, với những biểu hiện bệnh mới được phát hiện như trên cần hết sức chú ý để phòng ngừa, cũng như chẩn đoán bệnh chính xác.
Về các cách phòng chống và trị bệnh phong, Cục Y tế dự phòng cho biết: Cần vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao đề kháng của cơ thể. Khi có nghi ngờ về triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chấn đoán và điều trị kịp thời để tránh tàn tật có thể xảy ra. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng là cách hữu hiệu để phòng tránh bệnh phong.
Nếu vùng da bị trầy xước của người bình thường tiếp xúc với vùng da bị trầy xước của bệnh nhân phong thì cần rửa tay bằng xà phòng trong vòng hai phút trực khuẩn sẽ chết hoặc để ngoài nắng trong vòng hai phút trực khuẩn cũng sẽ chết. Ngoài ra, tắm hằng ngày cũng là cách để ngăn ngừa bệnh phong.
Các chuyên gia y tế nhận định, nếu phát hiện sớm, bệnh phong có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Với việc khó lây bệnh và có thể điều trị nội trú, Cục Y tế dự phòng cho rằng, cộng đồng không nên có sự kỳ thị với những người bệnh phong.
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Quang, Bệnh viện Da liễu trung ương: Việt Nam đã thực hiện chương trình chống phong quốc gia rất tốt. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh phong hiệu quả, do đó tỷ lệ mắc phong tại Việt Nam hiện nay rất thấp, nên nhiều trường hợp mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật nguy hiểm cho bệnh nhân và có thể tạo thành các ổ bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. Vì vậy, các bác sĩ không được mất cảnh giác với bệnh lý này, khi nghi ngờ có bệnh nhân mắc bệnh cần chuyển tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán.