Ngày 6/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra ban đầu dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Dự thảo Luật lần này bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo đó, nếu người yêu cầu bồi thường đề nghị, ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường xác định một khoản tiền cho các thiệt hại có thể tính được ngay thì có trách nhiệm đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinhh phí để chi trả một phần khoản tiền đó cho người yêu cầu bồi thường.
Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, cán bộ Nhà nước làm sai thì Nhà nước phải đứng ra bồi thường.
“Không cần thu gọn đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường. Lâu nay có việc đùn đẩy lẫn nhau là do thủ tục không rõ. Cho nên phải quy định rõ thủ tục trong luật, càng rõ càng nhanh chứ không phải càng ít đầu mối càng nhanh”-ông Thể nêu quan điểm.
Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, cơ quan giải quyết bồi thường rất quan trọng. Hiện nay sự đùn đẩy, né tránh là rất rõ ràng. Nếu chúng ta không đặt ra cơ quan giải quyết bồi thường thì không bao giờ có chuyên nghiệp và có những người hiểu biết vấn đề khi vụ việc đến. Nếu không giải quyết được thì sẽ lúng túng. Cho nên, Chính phủ mới thảo luận thu gọn một bước đầu mối là như vậy - theo ông Ngọc.
Được biết, trong 6 năm, số lượng yêu cầu bồi thường là 258 vụ việc và chủ yếu tập trung ở cấp huyện, cấp tỉnh. Nếu giữ mô hình hiện nay thì việc có quá nhiều cơ quan giải quyết bồi thường là không tương thích với số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường. Mô hình cơ quan giải quyết bồi thường hiện hành cũng không bảo đảm tính thực tế, quá dàn trải dẫn đến khó bảo đảm tính chuyên nghiệp trong giải quyết bồi thường.
Chính vì vậy, dự thảo luật quy định theo hướng, trong hoạt động hành chính, thi hành án và hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự thì cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan cấp trên của cơ quan gây thiệt hại (trừ cấp tỉnh và cấp Trung ương). Đối với Tòa án và Viện Kiểm sát thì cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.