Những ngày qua, thông tin về nghịch lý tuyển sinh diễn ra tại một số trường ĐH, cụ thể là việc các trường cố tình nâng điểm chuẩn đầu vào lên quá cao để đánh trượt thí sinh đang khiến nhiều người băn khoăn.
Thực trạng tuyển sinh ĐH 2019 cho thấy, có những gam màu trầm cần sớm có giải pháp khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho người học.
Trước những trăn trở của thí sinh và phụ huynh về vấn đề nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) cho biết, thực tế thì tất cả các trường đều mong muốn tuyển sinh được hết chỉ tiêu nhưng một số trường, trong điều kiện quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ số lượng để mở lớp và duy trì lớp học nên đã nâng điểm trúng tuyển lên cao để thí sinh được chuyển sang xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo hoặc tham gia xét tuyển đợt sau. Bà Phụng cho rằng, bản thân các trường cũng phải cân đối từ nguồn học phí, tính toán đến hiệu quả của hoạt động đào tạo… Nhưng ở góc độ đảm bảo quyền của người học, cách làm của các trường dẫn đến thí sinh có thể không trúng tuyển đợt 1 hoặc không trúng tuyển vào nguyện vọng mà các em ưu tiên…
Bà Phụng cho hay, trong quá trình tuyển sinh, Bộ GDĐT đã định hướng cho các trường phải minh bạch thông tin để thí sinh lựa chọn. Khi phát sinh những tình huống không mong muốn thì cần thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi với thí sinh, thống nhất cách lựa chọn mà cả hai bên đều có thể chấp nhận. Đối với các thí sinh nằm trong trường hợp nêu trên, Bộ có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh lựa chọn và có đơn đề nghị gửi Bộ và gửi trường xin được xét tuyển...
Đối với các trường, Bộ cũng quy định chế tài nếu vi phạm đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo quy định và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm. Nếu 5 năm không tuyển sinh thì bị đóng ngành; trao quyền tự chủ cho trường để trường phải tính toán đến nguồn lực đảm bảo hoạt động của nhà trường khi không có sinh viên theo học…
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT), đối với một số trường đẩy điểm chuẩn lên cao khiến thí sinh bị trượt, xét về mặt căn cứ pháp lý thì nhà trường không vi phạm. Tuy nhiên, xét ở góc độ tâm lý xã hội thì không ổn. Bởi đó không phải là những ngành “hot” để nhà trường đặt ra điểm chuẩn cao khiến thí sinh bị trượt. Đối với thí sinh, ít nhiều các em cũng bị tâm lý là… trượt ĐH. Nếu vì lý do quá ít thí sinh, không thể mở lớp thì nhà trường cần nói rõ để các em thông cảm. Cùng với đó phải tìm giải pháp tháo gỡ.
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, sở dĩ có thực trạng trên không hoàn toàn từ phía nhà trường. Riêng về khối sư phạm nên có cơ chế đặt hàng đào tạo để thí sinh yên tâm khi vào học, ra trường sẽ có việc làm, giống như các trường khối quân đội, công an. Vì sao các trường này thu hút được thí sinh? Là do sau khi tốt nghiệp, sinh viên ra trường chắc chắn có việc làm, thậm chí có mức lương ưu tiên.
Quan điểm từ các chuyên gia cho hay, vấn đề đặt ra là, làm như thế nào để có lợi cho thí sinh. Chẳng hạn, thay vì giải pháp đẩy điểm chuẩn lên cao khiến thí sinh trượt oan, nhà trường có thể giới thiệu thí sinh đến trường ĐH khác có cùng ngành nghề đào tạo.