Tại hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh do Bộ Y tế vừa tổ chức, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đưa ra một số khuyến cáo liên quan thuốc Tamiflu. Theo đó, Tamiflu không phải thuốc đặc trị chữa khỏi cúm. Người dân tuyệt đối không nên đổ xô đi mua về sử dụng.
Nhiều người tìm mua Tamiflu ở các hiệu thuốc. (Ảnh minh họa).
Phòng bệnh quan trọng hơn cả
Mặc dù đã có khuyến cáo của Bộ Y tế, nhưng những ngày cuối tuần vừa qua nhiều người vẫn đổ xô tìm mua Tamiflu ở các hiệu thuốc cũng như mua hình thức online. Theo đó giá thuốc Tamiflu tăng khoảng 4-5 lần so với giá 45.000 đồng/viên đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kê khai. Theo ông Khuê, Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ hỗ trợ điều trị. Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải phương án số một. Vì vậy, quan trọng nhất là phòng bệnh và giải quyết tốt các nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, người dân có thể tiêm vắc xin để phòng cúm và phòng hộ cá nhân, trong đó gồm uống đủ nước, giữ ấm cơ thể, chân và đầu.
Trước đó, để đáp ứng nhu cầu thuốc trong bối cảnh dịch cúm đang gia tăng, ngày 19/12, Cục Quản lý dược, đã yêu cầu Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 - đơn vị cung cấp thuốc Tamiflu - khẩn trương nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 phục vụ nhân dân. Theo ông Trần Minh Điển- Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, trong điều trị cúm, Tamiflu là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi với chỉ định của bác sĩ.
Ghi nhận từ nhiều cửa hàng bán thuốc trong các khu dân cư cho thấy, số lượng người tìm mua Tamiflu thời gian qua đột nhiên tăng nhanh. Do đó, nhiều người đã mua về dự trữ. Người dân đổ xô đi mua làm giá thuốc bị đẩy lên cao. Tamiflu cũng có nhiều loại hàng nhái, nếu mua ở nơi không tin cậy, dễ gặp hàng giả. Các chuyên gia đã cảnh báo, nhiều người có thói quen dùng thuốc tràn lan. Cứ khi có dịch cúm, người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu là không cần thiết. 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị.
Chủ động phòng chống cúm mùa
Theo Cục Y tế dự phòng, so với cùng kỳ 11/2018, năm nay, cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong, giảm 10,4% số mắc và hai trường hợp tử vong. Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới, cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A (H1N1) và B.
Cục Quản lý dược cho biết thêm, thuốc Tamiflu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt và được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng tương đối đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện. Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị.
Về phía Cục Y tế dự phòng đã có khuyến cáo tới cộng đồng các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm mùa đang gia tăng. Theo đó, để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần thực hiện các biện pháp: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; Tiêm vaccine cúm mùa; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ: Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính thì bệnh diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.