Không rơi vào quên lãng

Thái Duy 07/05/2016 14:10

Đại hội Đảng lần thứ XI xác định tạo lập môi trường, cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là trọng tâm trong khâu đột phá: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đọc báo, nghe đài về quyết định sáng suốt loại bỏ cách làm ăn cũ, lỗi thời càng thấy phấn chấn. Phải chấm dứt mọi phân biệt đối xử, kìm hãm sản xuất đối với các thành phần kinh tế, coi trọng khu vực tư nhân, để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Không rơi vào quên lãng

Tạo môi trường bình đẳng để mọi thành phần kinh tế cùng phát triển.

Như vậy, mọi ưu tiên, ưu đãi, kể cả bao cấp dành cho kinh tế nhà nước cần sớm chấm dứt, đặt các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Rất cần công khai, minh bạch các hoạt động của DNNN theo các tiêu chí của DN đăng ký trên thị trường chứng khoán.

Một nước có nền kinh tế mạnh, trung bình 10 người dân có một DN, nhiều DN như vậy là nước công nghiêp. Nhiều DN, đông doanh nhân là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến của thời đại. Không có tài kinh doanh thì những tài nguyên quốc gia, kể cả trí thức về khoa học công nghệ chỉ là khả năng tiềm tàng mà thôi.

Hạn chế đến mức tối đa độc quyền kinh doanh trên các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong các DNNN để tạo mọi điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia kinh doanh. Vai trò của Nhà nước sẽ thay đổi không còn kinh doanh, Nhà nước không điều hành kinh tế và chuyển sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Các Bộ và UBND tỉnh, thành sẽ không còn trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý các DNNN, không còn “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Dân và DN làm ra của cải, có tiền đóng thuế cho ngân sách nhà nước. DN hầu hết là của dân, DN nào quá lớn, dân không làm được, Nhà nước mới dùng ngân sách để làm. Một nước có nền kinh tế mạnh, trung bình 10 người dân có một DN, nhiều DN như vậy là nước công nghiêp. Nhiều DN, đông doanh nhân là đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến của thời đại. Không có tài kinh doanh thì những tài nguyên quốc gia, kể cả trí thức về khoa học công nghệ chỉ là khả năng tiềm tàng mà thôi. Doanh nhân có kinh nghiệm biết thích ứng với những điều kiện kinh doanh mới, biết kết hợp sản phẩm với thị trường tạo hiệu quả cho kinh doanh thì các yếu tố của kinh tế mới thành công.

Quyết tâm của Đảng rất cụ thể và khẩn trương, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thực hiện các quy luật của kinh tế thị trường, được thể chế hóa thành Nghị quyết 19 của Chính phủ. Nghị quyết 19 quy định các Bộ và UBND 63 tỉnh, thành định kỳ hàng quý 3 tháng gửi báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả cải thiện môi trường kinh doanh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Sau 6 tháng của năm 2015 thực hiện Nghị quyết 19 chỉ có 4 trong số 22 Bộ và chỉ có 3 trong số 63 tỉnh, thành có báo cáo gửi về Chính phủ. Sự thật khác so với dự đoán, kết quả đạt được khá nhỏ nhoi. Một nghị quyết được đông đảo cán bộ, đảng viên ở Trung ương và địa phương coi là cứu tinh đối với nền kinh tế đang tụt hậu nhưng lại không được nhiều Bộ và chính quyền, tỉnh, thành hưởng ứng, thực hiện.

3 tháng đầu năm 2016 đúng định kỳ mỗi quý báo cáo do Nghị quyết 19 quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được báo cáo của 4 Bộ và của 13 UBND tỉnh, thành. Các báo cáo này, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, cho biết chỉ có 2 báo cáo đạt yêu cầu là của TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng.

Nghị quyết 19 muốn giảm thủ tục, giảm thời gian cho DN nhưng một số lĩnh vực tăng thêm thủ tục hoặc kéo dài thời gian. Nghị quyết 19 yêu cầu các Bộ và địa phương rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trái luật nhưng chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện còn hầu hết các Bộ và địa phương đã “quên”.

Trong vòng 10 tháng của năm 2014, đã có hơn 9.080 văn bản pháp luật trái luật (còn gọi là “giấy phép con”), làm khổ biết bao nhiêu cho DN. Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 lần thứ hai cũng không hơn lần trước bao nhiêu, số Bộ và tỉnh thành chưa tham gia vẫn quá nhiều. Như vậy, Nghị quyết 19 hợp lòng người như vậy lại vẫn bị nhiều Bộ và chính quyền tỉnh, thành không thực hiện nghiêm.

Nhiều người tỏ ra lo lắng, Nghị quyết 19 cũng như nhiều nghị quyết khác phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân nhưng đã rơi vào quên lãng, có phải vì đã “đụng chạm” đến lợi ích cá nhân, cục bộ của một số lãnh đạo Bộ và địa phương.

Rất may, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại rất quan tâm đến Nghị quyết 19, đúng mục tiêu, mong đợi của những người đã “khai sinh” ra nó từ đầu năm 2014 với kỳ vọng Nghị quyết 19 là điểm tựa vững chắc để nền kinh tế ta rút dần khoảng cách với thiên hạ.

Ông hiểu sâu xa tại sao Nghị quyết 19 vẫn chưa đi vào cuộc sống. Tại cuộc họp Chính phủ, lần đầu tiên nhân danh Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc nói đến nền kinh tế nước ta đã có nhiều thay đổi, đất nước đã thoát nghèo nhưng phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa. Ông đề nghị phải thực hiện Nghị quyết 19.

Đến ngày 29/4/2016 tiếp xúc với các doanh nhân tại TP Hồ Chí Minh, ông nói đến tầm quan trọng đặc biệt của cải thiện môi trường kinh doanh một lần nữa ông lại nêu đích danh “Nghị quyết 19” vì phải thực hiện Nghị quyết 19 mới có thể tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, một mục tiêu cực kỳ quan trọng mà nền kinh tế đang hướng tới.

Ông nhận xét Nghị quyết 19 ra đời đã hai năm song chưa được phổ biến sâu rộng, thậm chí nhiều địa phương còn chưa hiểu đầy đủ về Nghị quyết rất quan trọng này. Trong hơn một tháng, tại hai cuộc họp quan trọng ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông đều nhắc đích danh đến Nghị quyết 19 mặc dù báo cáo định kỳ đến lần thứ hai, hầu hết lãnh đạo Bộ và tỉnh, thành vẫn “quên”.

Tin chắc người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ sẽ lôi cuốn mọi lãnh đạo cấp dưới theo ông và Nghị quyết 19 sẽ đi vào cuộc sống.

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nền kinh tế nước ta đã có nhiều thay đổi, đất nước đã thoát nghèo nhưng phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa. Ông đề nghị phải thực hiện Nghị quyết 19. Ngày 29/4/2016 tiếp xúc với các doanh nhân tại TP Hồ Chí Minh, ông nói đến tầm quan trọng đặc biệt của cải thiện môi trường kinh doanh một lần nữa ông lại nêu đích danh “Nghị quyết 19” vì phải thực hiện Nghị quyết 19 mới có thể tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, một mục tiêu cực kỳ quan trọng mà nền kinh tế ta đang hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không rơi vào quên lãng