Nợ công Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Với khả năng thu, chi và cân đối ngân sách hiện nay, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi xử lý vấn đề nợ công.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, ước nợ công của Việt Nam đạt 64,98%, sát trần của Quốc hội cho phép; trong đó nợ của Chính phủ là 53,1%, cao hơn mức trần cho phép. Nhiều chuyên gia nước ngoài nhận định, nợ công của chúng ta cao và bội chi ngân sách kéo dài là gánh nặng cho nền tài chính. Bội chi đã tiếp tục leo thang, năm 2016 thâm hụt trên ngân sách tương đương 4,4% GDP, cao hơn với mức 4% năm 2015.
Nhiều người rất sốt ruột về vấn đề thu chi ngân sách hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh thu ngân sách các năm đều tăng so với dự toán nhưng không giải quyết được những vấn đề cốt lõi như giảm bội chi, thâm hụt ngân sách tăng cao…
Trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra định hướng cơ cấu lại thu chi ngân sách với những chỉ tiêu cụ thể. Trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 không quá 3,9% GDP, bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 không quá GDP nhằm thực hiện cân đối ngân sách nhà nước tích cực, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép
Phía Bộ Tài chính khẳng định, sẽ sắp xếp lại các khoản chi ngân sách nhà nước. Đặc biệt kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công, kiểm soát chặt bội chi và nợ của chính quyền địa phương. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Đặc biệt không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.