Trước việc giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, không ít lần Chính phủ đã phải thúc giục các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Còn nhớ, ngày 28/9, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc do Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, văn bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và thiếu thông suốt, thiếu đồng bộ. Từ đó, dẫn tới việc giải ngân chậm, kết quả chưa được như mong muốn và việc khắc phục những hạn chế, yếu kém chưa được kịp thời.
Tại Công điện số 7036 ngày 30/9/2021, Thủ tướng yêu cầu các vị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, có kế hoạch, lộ trình cụ thể thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công cho đến cuối năm, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách.
Trước đó, đầu tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1242 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo hàng tháng về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Điều đó mang tới hy vọng các bộ ngành, địa phương... có dự án đầu tư công sẽ khó có thể viện lý do để “câu giờ”, Chính phủ sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với những nơi chậm trễ.
Vốn đầu tư công là nguồn vốn mạnh, được đầu tư trọng điểm, tập trung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khái niệm đầu tư công đã được đề cập tại khoản 15 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 và khoản 44 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013. Luật đã có, các văn bản dưới luật đã có, tiền đã có nhưng thật đáng tiếc là việc triển khai lại rất chậm trễ.
Điều hành phiên chất vấn chiều ngày 11/11, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%, nhưng 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa được 50%. Từ đó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Vì sao trong cùng một thể chế, pháp luật như nhau mà có đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Nguyên nhân khách quan, chủ quan, cốt lõi là gì, giải pháp là gì? Năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có nghị quyết, thì tình hình vẫn như vậy thôi. Trách nhiệm ở đâu phải nói rõ, tình hình kiểm tra, giám sát, từng nguyên nhân, vướng mắc giải quyết thế nào, không thể nói chung chung là vướng mắc”.
Đã rất nhiều lần các cơ quan hữu trách nêu nguyên nhân dẫn đến chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Cùng với lý do chậm giải phóng mặt bằng thì một nguyên nhân được nói tới nhiều là do dịch Covid-19. Có ý kiến không kém phần hài hước cho rằng, có gì thì cứ đổ cho Covid là xong (!). Nhưng, vậy thì trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, địa phương ở đâu? Đất nước còn nghèo lại gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn chắt chiu từng đồng để đầu tư cho phát triển. Chẳng lẽ những đồng tiền quý giá đó cứ nằm yên trong kho. Đồng tiền không đưa vào lưu thông thì thật là phí phạm. Đó cũng là lãng phí, lãng phí lại càng lớn khi đó là các dự án đầu tư công với số tiền rất lớn.
Chính vì vậy, chỉ đạo mới nhất của Chính phủ yêu cầu các nơi mỗi tháng một lần phải báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công hy vọng sẽ xóa được tình trạng trì trệ, “câu giờ”. Và dư luận cũng rất mong nếu nơi nào giải trình không hợp lý, không đưa ra được giải pháp thì Chính phủ chuyển nguồn vốn đó sang nơi khác, đồng thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Chỉ có như vậy mới không để những đồng tiền quý giá bị lãng phí, và cũng để cho những người được giao vốn nhà nước phải lấy lại được tinh thần dám làm dám chịu. Và phải làm ngay, làm đúng.