“Thúc đẩy giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022” – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, diễn ra ngày 28/9.
Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá kết quả, phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về những nguyên nhân, những đề xuất, kiến nghị và phương án giải ngân vốn đầu tư công từ giờ đến hết năm 2021.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ cuối năm 2020 với tổng số vốn là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định). Đến hết ngày 15/9/2021, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 404.976,159 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao từ đầu năm; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 56.323,841 tỷ đồng, bằng 12,2% kế hoạch.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như, công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu…
Một nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân cũng được ông Dũng nhắc đến đó là năm 2021, chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư công là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau khi kiện toàn, Chính phủ đã xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500.000 tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%. Như vậy nhiệm vụ những tháng cuối năm còn rất lớn.
Biểu dương 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%, Thủ tướng cũng phê bình nghiêm khắc một số bộ, ngành địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan như: việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, sự thiếu quan tâm, sâu sát của người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương; việc đầu tư còn dàn trải, thiếu kiểm tra, giám sát; chuẩn bị dự án còn sơ sài; công tác đấu thầu chưa minh bạch.
Theo Thủ tướng, trong điều kiện khó khăn lúc này, giải ngân đầu tư công là một nguồn lực, động lực rất lớn để góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện thật sự hiệu quả, sử dụng vốn đầu tư công vừa bảo đảm đúng tiến độ, khả thi, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm; tăng cường kiểm tra, giám sát; tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Cùng với đó, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương cần có lộ trình mở cửa phù hợp, hiệu quả, trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để vừa phải chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế, xã hội.