Không thể chậm trễ

Lâm An 12/05/2023 07:46

Vụ việc nam sinh lớp 11 Trường THPT An Phúc, xã Hải Phong, huyện Hải Hậu, Nam Định bị đâm dẫn đến tử vong trên đường đi học về một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực học đường hiện nay.

Nguyễn nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn từ trước trên mạng xã hội. Các em đã có xô xát trên lớp và sau đó, trên đường đi học về thì đánh nhau bằng hung khí dẫn đến người thì tử vong, người bị thương. Đau lòng biết bao khi nhà trường thông tin, qua đánh giá của giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn của nhà trường, nam sinh này trong thời gian học tập và rèn luyện ở trường là một học sinh ngoan, chấp hành tốt nội quy của trường và không có biểu hiện bất thường.

Rất nhiều những vụ việc bắt nguồn từ mạng xã hội đã xảy ra thời gian qua dẫn đến những hậu quả đau lòng. Rất nhiều những học sinh ngoan, không vi phạm nội quy nhưng phút chốc sự việc xảy ra, các em như biến thành con người khác khiến gia đình và nhà trường bàng hoàng…

Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi chưa phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý và chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng xử lý, trẻ dễ bị kích động trong những tình huống cụ thể. Các em bế tắc, lo lắng, hoảng loạn nhưng không biết tâm sự cùng ai. Thậm chí, dù tìm được người tin tưởng để dốc bầu tâm sự thì không phải lúc nào các em cũng nhận được những lời khuyên hiệu quả, hợp lý để tháo gỡ nút thắt.

Trên thực tế, thầy cô và cha mẹ ít khi là sự lựa chọn để học sinh trải lòng. Nhất là khi cha mẹ, thầy cô thường đưa ra lời khuyên, yêu cầu mang tính áp đặt thay vì thấu hiểu, chia sẻ - điều các em mong muốn nhất.

Khoảng 14-18% học sinh từng có ý định tự tử, 10-16% học sinh thường cảm thấy cô đơn, 16% học sinh nam và 28% học sinh nữ rối loạn lo âu. Đó là những con số “biết nói” về sự cấp thiết triển khai hoạt động tham vấn tâm lý học đường.

Trong bối cảnh bạo lực học đường vẫn nhức nhối, tỷ lệ học sinh trầm cảm, tự tử ở mức báo động thì ngành giáo dục, nhà trường và các địa phương cần có những giải pháp cụ thể, ngay lập tức. Trong đó, cấp thiết phải nâng cao và phát triển hơn nữa lĩnh vực tâm lý học đường – điều mà ngành giáo dục, cụ thể là các nhà trường hiện đã triển khai nhưng vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi, bởi thiếu về nhân lực, vật lực.

Khó khăn vì giáo viên kiêm nhiệm, không có biên chế cho cán bộ chuyên trách nên nhiều phòng tâm lý học đường được mở ra nhưng vẫn hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả, chưa thực sự trở thành nơi để học sinh giải tỏa cảm xúc, lo lắng, bất an, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. Các chuyên gia nhấn mạnh đây là một nghề cần phải được học, phải có kỹ năng, kinh nghiệm, đồng thời cần được giải đáp kịp thời và có tính chuyên sâu để học sinh thực sự tâm phục, khẩu phục, sẵn sàng chia sẻ và trao đổi những khi cần sự trợ giúp. Chỉ khi tham vấn tâm lý học đường được quan tâm đầu tư đúng mức và phát huy hiệu quả thì những vụ việc đau lòng, thương tâm như trên mới được hạn chế bởi được phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Đồng thời sẽ giúp học sinh có thêm “người bạn” thông thái, đủ khả năng giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống đầy áp lực hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể chậm trễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO