Chính trị

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Không thể chậm trễ

H.Vũ 26/08/2024 11:23

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

tren.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Vinh.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, cả nước có 10 tỉnh không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tổng hợp từ phương án tổng thể của 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị; tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.247 đơn vị. Bộ Nội vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã tổ chức các Đoàn công tác liên ngành Trung ương tiến hành khảo sát thực tế ở địa phương để có đủ căn cứ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ Đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) xem xét, quyết định.

Đặc biệt, khi Ủy ban TVQH tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH Lai Châu) cũng đặt vấn đề: Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2023-2025 cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương, việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2024.

Tuy nhiên, đến nay mới có 3 địa phương trình Ủy ban TVQH quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra. “Thời gian không còn nhiều, để sớm ổn định tổ chức bộ máy nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không?” - ông Khánh nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trong giai đoạn 2023-2025 số lượng sắp xếp rất lớn nhưng tiến độ hiện nay còn rất chậm. Đến thời điểm này Bộ Nội vụ đã tiến hành tiếp nhận được 43 hồ sơ. Theo đó, đã hoàn thiện việc thẩm định được 32 bộ hồ sơ của các địa phương, đã trình Ủy ban TVQH 3 bộ hồ sơ. Hiện trong báo cáo Chính phủ có 3 bộ hồ sơ nữa. Số địa phương chưa gửi về Bộ Nội vụ để Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định là 10 địa phương.

Bà Trà cũng cho biết, trong giai đoạn 2023-2025 khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã sẽ có một số lượng cán bộ công chức dôi dư ở cấp huyện và cấp xã, cũng như cán bộ không chuyên trách dôi dư là 21.800 người. Để giải quyết việc này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 29 về tinh giản biên chế. Đến thời điểm này đã có 46 địa phương ban hành chính sách để hỗ trợ cho cán bộ, công chức dôi dư và số lượng người không chuyên trách ở cấp xã dôi dư. Nguồn kinh phí để các địa phương giải quyết chế độ, chính sách dôi dư thật sự rất lớn.

Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, theo phân cấp ngân sách thì các địa phương sẽ phải cân đối bố trí nguồn kinh phí để sắp xếp cán bộ dôi dư theo các nghị định của Chính phủ cũng như nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Còn lại, đối với các địa phương không tự cân đối được ngân sách thì sẽ tổng hợp lên để Bộ Nội vụ tổng hợp và báo cáo Chính phủ để cấp ngân sách, thanh toán nguồn kinh phí giải quyết tinh giản biên chế, trong đó có việc thực hiện chính sách dôi dư cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp huyện, đặc biệt là ở cấp xã.

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chính phủ xác định công tác sắp xếp ĐVHC là vấn đề hết sức quan trọng, phức tạp, liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy và cán bộ. Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo, điều hành để tổ chức triển khai thực hiện. Đã thẩm định 43 phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố.

Hiện nay, Chính phủ đã trình Ủy ban TVQH xem xét, thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết về phân loại đô thị, tiêu chuẩn ĐVHC và sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tạo điều kiện hoàn thành, sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2023-2025 trước tháng 10/2024 để phục vụ tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo, nếu như Chính phủ trình, Ủy ban TVQH sẽ họp đêm họp ngày, kể cả thứ 7, chủ nhật để làm. Tinh thần là Chính phủ và Ủy ban TVQH phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo các địa phương làm khẩn trương. Ông Định mong rằng, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc địa phương để thực hiện đúng Nghị quyết Quốc hội, phấn đấu để tháng 10 cơ bản xong.

Cuối tuần qua, kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, Bộ Nội vụ hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án, có lộ trình cụ thể, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Không thể chậm trễ