Đất đai là vấn đề luôn nóng, luôn mang tính thời sự được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm. Vì thế, làm sao để có được những quy định chặt chẽ, đảm bảo tính nghiêm minh, công khai, minh bạch từ xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai là vấn đề đang được đặt ra.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 và Báo cáo này sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, khiếu nại tố cáo có chiều hướng gia tăng trên tất cả các phương diện cả về số lượng công dân đến cơ quan hành chính để khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, số lượng công dân đến cơ quan hành chính để khiếu nại, tố cáo năm 2018 tăng 12.6% so với cùng kỳ năm 2017. Số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính tăng 2,6%.
Đặc biệt, số lượt đoàn đông người lên cơ quan Trung ương là rất nhiều tăng 27,3%; tính chất phức tạp, gay gắt, khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài. Và nội dung khiếu nại tố cáo vẫn “còn nhiều tập trung chủ yếu vẫn là về đất đai, tố cáo cán bộ công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái trong công tác quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước”. Nói vậy để thấy, năm nào vấn đề đất đai vẫn luôn nóng và thực tế rất cần những quy định điều chỉnh để tháo gỡ “ngòi nổ đất đai”.
Thực tế, riêng việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai nhưng quá trình thực hiện lại “rối như tơ vò”, lúng túng, bế tắc. Điển hình ở việc sau gần 4 năm triển khai, thực hiện theo phản ánh của Sở Tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố và ý kiến của cử tri, ĐBQH thì một số nội dung quy định tại Nghị định 102 đang vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Nhất là trong việc xác định các hành vi vi phạm như: hành vi lấn, chiếm đất, hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, khái niệm về hủy hoại đất. Việc xác định thời hiệu xử phạt chưa được quy định cụ thể, biện pháp khắc phục hậu quả còn chưa thống nhất giữa các văn bản. Còn khó khăn trong việc xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để áp dụng mức xử phạt và đặc biệt mức phạt như hiện nay chưa phát huy được tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều hành vi vi phạm khác theo quy định của Luật Đất đai 2013 nhưng lại chưa được quy định xử phạt trong Nghị định 102. Đơn cử như: Hành vi của tổ chức được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất nhưng đã cho thuê lại đất trả tiền thuê một lần; Hành vi của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc thuê đất không phải là đất ở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp cho phù hợp quy định về các trường hợp được nhận.
Khó có thể chấp nhận, Luật Đất đai 2013 đã quy định nhưng các văn bản dưới luật lại không cụ thể hóa thành các quy định để thực hiện mà vẫn còn “bỏ trống” trong quản lý. Từ thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Dự thảo này lại được xem là “bất hợp lý”. Đơn cử như theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Dự thảo thì các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất để quản lý, sử dụng mà buông lỏng quản lý để bị lấn, bị chiếm đất thì sẽ bị mức xử phạt bằng 50% mức xử phạt của các hành vi quy định từ Khoản 1-4 Điều 15.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khái niệm “buông lỏng quản lý” là chưa rõ ràng và rất khó để xác định, trong khi đây lại là một trong các yếu tố để xác định hành vi vi phạm. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi xét về bản chất, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất để quản lý, sử dụng nhưng để bị lấn, bị chiếm đất thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, không cần thiết phải xác định có “buông lỏng quản lý” hay không? Hay như việc một số quy định tại Dự thảo có khung xử phạt quá rộng, giữa mức sàn và mức trần của khung có sự chênh nhau rất lớn, có khung mức trần cao hơn 3 lần mức sàn. “Điều này có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng vi phạm trong cùng khung xử phạt khi cùng nhóm hành vi vi phạm nhưng chủ thể này bị phạt ở mức thấp trong khi chủ thể khác lại bị phạt ở mức cao và trao quá nhiều quyền cho cán bộ thực thi trong quyết định mức phạt”-VCCI đưa ra cảnh báo bởi nếu không chặt chẽ có thể trở thành “trao quá nhiều quyền cho cán bộ thực thi khi xử phạt”.
Vấn đề được đặt ra là các quy định pháp luật không chỉ nằm ở việc xử phạt cao, mà quan trọng nằm ở việc có những quy định cụ thể, mang tính chặt chẽ, lấp được những chỗ trống, khắc phục được các bất cập hiện nay trong triển khai thực hiện để cơ quan quản lý có thể kiểm soát mọi hành vi, thậm chí chí ít là để người dân hay cán bộ thực thi không có “kẽ hở” để lách luật vi phạm. Nếu còn những quy định “mơ hồ” chung chung trong khái niệm, nếu còn những quy định trao quá nhiều quyền cho cán bộ thực thi thì có thể dẫn đến sự lộng quyền, một sự cảm tính trong xử phạt ở mức cao hay thấp để đòi hỏi một sự chung chi.
Cũng xin nhắc lại rằng, một quy định khi được ban hành thì quá trình tổ chức thực thi vẫn là do con người, là cán bộ thực thi pháp luật. Khi mà những quy định còn mơ hồ, thiếu thực tế, e rằng sẽ lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho cán bộ “đặt vấn đề” ăn chia. Và không phải ngẫu nhiên, ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Vũ Trọng Việt đã nhắc đến, trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật cần chú trọng lựa chọn cán bộ có tâm, có đức để chống tư tưởng “nọ kia”, cũng như không để những quy định để cán bộ có thể đặt vấn đề “nọ kia”.