Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến cho việc xây dựng Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo cho thấy tới đây, trường trung cấp công lập có thể sẽ bị “xóa sổ”. Thông tin này đang khiến các nhà trường trăn trở.
Trường đang đào tạo tốt có nên “xóa sổ”?
Theo mục tiêu của Dự thảo, trong giai đoạn thời kỳ 2026-2030 sẽ giảm 20% số cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập so với năm 2020; giảm 100% số trường trung cấp so với năm 2020; phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập lên 45%. Để thực hiện mục tiêu này, phương án quy hoạch được nêu trong Dự thảo là sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng (CĐ), hoặc giải thể nếu hoạt động không hiệu quả; phấn đấu giảm 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Đồng thời, không hình thành các trường trung cấp công lập mới.
Cũng theo dự thảo, về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh sẽ chỉ có một đầu mối đào tạo nghề công lập, tức là mỗi địa phương sẽ chỉ còn một trường CĐ thực hiện nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu về GDNN với đa ngành, nghề. Trong khi tinh gọn lại số cơ sở GDNN công lập, theo dự thảo, các cơ sở GDNN ngoài công lập sẽ được đẩy mạnh phát triển, qua việc thu hút đầu tư của tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài, đưa số cơ sở lên 45% tổng số cơ sở GDNN vào năm 2025.
Quá trình tìm hiểu thực tế tại một số trường trung cấp công lập cho thấy, lãnh đạo các trường đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương quy hoạch này, bởi hiện nay mạng lưới cơ sở GDNN còn tồn tại nhiều bất cập.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội nêu quan điểm, đối với các trường trung cấp hay CĐ hoạt động không hiệu quả nên sáp nhập hoặc giải thể để đầu tư vào các trường trọng điểm.
Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng, đối với những trường đang phát triển mạnh, đang hoạt động hiệu quả, khai thác tốt cơ sở vật chất, đã tự chủ về tài chính, chất lượng đào tạo được doanh nghiệp đánh giá cao và một năm cung cấp hàng nghìn lao động có tay nghề góp phần giải cơn khát lao động trên thị trường hiện nay mà lại cho chấm dứt hoạt động thì cần phải nghiên cứu lại.
Như tại Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, trong nhiều năm qua nhà trường luôn tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao, năm sau cao hơn năm trước. Học sinh ra trường được nhà trường cam kết giới thiệu việc làm với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng.
Ông Bằng đặt câu hỏi: “Chấm dứt hoạt động của một trường trung cấp công lập đang đào tạo rất tốt thì có nên không?”.
Trường Trung cấp Kinh tế Hà Nội được thành lập từ năm 1964. Gần 60 năm vượt qua nhiều khó khăn để gây dựng thương hiệu đến nay, trường đã khẳng định được uy tín đào tạo, trở thành một trong những trường trung cấp công lập có tiếng trên địa bàn thành phố.
Dù đồng tình với chủ trương quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN nhưng ông Lương Như Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bài toán sáp nhập, đổi tên thành một trường CĐ, nghĩa là trong tương lai sẽ không còn tồn tại trường trung cấp chưa hẳn thuyết phục nhiều người, nhất là đối với các khối trường trung cấp đang tự chủ tốt”.
Không riêng các nhà trường, nhiều người học cũng hoang mang khi đối diện với thông tin sẽ dần “xóa sổ” các trường trung cấp công lập.
Em Nguyễn Khánh Huyền - học viên khóa 55, chuyên ngành Kế toán Doanh nghiệp, Trường Trung cấp Kế toán Hà Nội chia sẻ: “Thời gian đào tạo hệ trung cấp từ 1,5 đến 2 năm, phù hợp với điều kiện cũng như nhu cầu của bản thân em. Sau 2 năm đào tạo, em có thể kiếm việc làm nhanh chóng để phụ giúp gia đình. Nếu tới đây, trường trung cấp sáp nhập vào một trường CĐ thì em chưa hình dung sẽ đào tạo thế nào, học phí có tăng hay không?”.
Cần lộ trình rõ ràng
Đối với nhiều giáo viên, việc tới đây mỗi địa phương sẽ chỉ có một đầu mối đào tạo nghề công lập khiến nhiều người suy nghĩ, trăn trở. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thu Thủy, Trưởng khoa Kế toán, Trường Trung cấp Kế toán Hà Nội không giấu nổi tâm tư bởi khi sáp nhập vào trường CĐ thì đội ngũ giáo viên hiện có của trường đi về đâu? Vì vậy, bà Thủy cho rằng, chủ trương này cần phải có lộ trình cụ thể để người học, giáo viên ổn định tâm lý, yên tâm công tác và cống hiến cũng như có thời gian bồi dưỡng trình độ chuyên môn, thích ứng với mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội cho rằng, hiện nay sự phát triển ồ ạt của các cơ sở GDNN khiến nguồn lực ngày càng lãng phí. Nhiều trường không tuyển được học sinh.
Thế nên việc từng bước sắp xếp, sáp nhập các trường là cần phải làm, song về quan điểm quy hoạch cần phải tính toán, có lộ trình rõ ràng; đặc biệt, hướng đến thế mạnh của từng trường, từng ngành nghề. Đơn cử, như ngành du lịch thì không thể sáp nhập vào một trường CĐ đào tạo ngành xây dựng và ngược lại.
Ông Bằng cũng cho rằng, khi thực hiện sáp nhập một cách cơ học không theo lộ trình, sáp nhập các cơ sở GDNN có ngành nghề đào tạo khác nhau thì có thể 2 cơ sở GDNN đang phát triển mạnh sau sáp nhập sẽ trở thành một cơ sở GDNN yếu, hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, theo ông Bằng nên lấy chất lượng đào tạo, đánh giá hiệu quả công tác đào tạo, công tác tự chủ, tiêu chuẩn cơ sở vật chất để làm tiêu chí sáp nhập hoặc giải thể.
Về việc sắp xếp cơ sở GDNN công lập, theo Bộ LĐTBXH, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2017 - 2021, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, sắp xếp, giảm được 11% số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; từng bước giảm sự trùng lặp về ngành, nghề đào tạo; giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc sắp xếp cơ sở GDNN công lập ở một số bộ, ngành, địa phương còn một số tồn tại, hạn chế.
Thực hiện quy hoạch cơ sở GDNN trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH lưu ý các địa phương thực hiện sắp xếp theo hướng chỉ giải thể các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả kéo dài; sáp nhập trung tâm GDNN, trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp vào trường CĐ khi đa số ngành, nghề đào tạo trùng nhau và có cùng địa bàn tuyển sinh. Bộ cũng lưu ý, không sáp nhập cơ sở GDNN đào tạo nhóm đối tượng đặc thù và cơ sở GDNN có năng lực tự chủ cao.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sắp xếp, sáp nhập không phải là phép cộng hay trừ
Hiện nay, GDNN còn nhiều hạn chế về mặt chất lượng và hiệu quả trên bình diện đáp ứng nhu cầu kỹ năng của thị trường và việc phân tán, chồng chéo trong sử dụng nguồn lực đất đai, tài chính và con người.
Vì thế việc quy hoạch sắp xếp trở lại các cơ sở GDNN là việc làm cấp bách. Tuy nhiên, việc sắp xếp không phải là phép cộng hay trừ cơ học cơ sở GDNN mà phải căn cứ vào vai trò đào tạo nhân lực ở mỗi trình độ sơ, trung và cao đẳng cũng như khả năng tự chủ, chất lượng đào tạo và nhu cầu của địa phương... để có những giải pháp cụ thể. Việc xóa bỏ trường trung cấp công lập để đưa về các trường CĐ sẽ tạo ra hệ lụy không nhỏ với hệ thống GDNN trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp với Việt Nam vào năm 2030 sẽ vào khoảng 35 - 40%. Hiện nay tỷ lệ này mới chỉ khoảng trên 10% vào năm 2020. Mặt khác, vô hình trung tạo nên sức ép rất lớn với các trường trung cấp ngoài công lập do người học sẽ có xu hướng lao vào học ở CĐ nhiều hơn mà ít vào học các trường ngoài công lập là đi ngược với định hướng xã hội hóa GDNN.
Về quan điểm quy hoạch trong bối cảnh phân cấp cần lưu ý, làm rõ vai trò, chức năng quy hoạch của bộ ngành, địa phương sao cho gắn thẩm quyền và trách nhiệm. Ngay cả với trường trung cấp công lập cần có quan điểm nếu trường nào đang hoạt động tốt cần để nguyên mô hình như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch như Dự thảo đề cập dường như quên quy hoạch đầu vào (nguồn tuyển sinh). Cần nhớ bài học có trường rồi chưa chắc đã có người học nếu các trường không có học sinh ở đầu vào do ngành giáo dục quản lý hệ thống. Vì thế, để quy hoạch hiệu quả, rất cần có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để quy hoạch đồng thời cả giáo dục THPT, và ĐH để có thể có một dòng chảy hợp lý vào các trường nghề.