Việc vỡ trận của Công ty địa ốc Alibaba, các lãnh đạo của công ty này bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đang làm xôn xao dư luận. Hàng chục ngàn gia đình nạn nhân ở nhiều tỉnh thành đang đứng ngồi không yên khi gửi trứng cho ác, đem tiền mua đất kiểu mua vịt trời. Và rồi, người ta băn khoăn tự hỏi: Trong vụ việc này, trách nhiệm của chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan ở đâu?
Vụ việc chính thức vỡ lở khi ngày 18/9 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện lệnh khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh, và ngay sau đó CQĐT đã bắt giữ, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Luyện- Chủ tịch HĐQT của Công ty này cùng về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sự việc đã như tiếng sét nổ bên cạnh đối với không ít nạn nhân.
Bởi với đa số nạn nhân, thời gian qua đã lao vào cái guồng máy: chuyển nhượng, uỷ quyền phần đất nông nghiệp của mình theo giá rẻ, nhận tiền hay nhận phần lô đất nền trên giấy; hoặc mua nền đất trên giấy, uỷ quyền lại cho công ty và nhận lãi, mỗi giai đoạn là mỗi giá khác nhau, rẻ hơn rất nhiều so với thực tế thị trường…Và người ta không biết vỏ bọc cho các sản phẩm vẽ ra ấy là những dự án ma, dự án treo với những hạ tầng, san lấp dở dang, chưa biết đến bao giờ hoàn thành…
Chỉ vì những con số, những con dấu, hợp đồng, nhìn những dự án đẹp như mơ treo trên mạng, những đồng tiền lãi ảo cầm trên tay, ngay cả khi các lãnh đạo của cái Công ty này bị bắt, người ta vẫn còn “ngơ ngác”, không tin. Cũng từ một thực tế, chỉ trong chưa đầy 3 năm, từ một công ty lấy cái tên Alibaba (trùng với cái tên của Công ty thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới do Jack Ma và 17 nhà đồng sáng lập thành lập năm 1999 ở Trung Quốc) đăng ký kinh doanh lần đầu (5/5/ 2016) chỉ có vốn điều lệ 1 tỉ đồng, đã nâng lên 20 tỉ đồng (12/2016) rồi 1.600 tỉ đồng (9/2017), dự kiến nâng vốn điều lệ lên 5.600 tỉ đồng, còn định hướng 2023 sẽ trở thành Tập đoàn địa ốc lớn nhất Đông Dương với hơn 2.600 nhân viên…Và CEO Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, trú xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) còn hùng hồn tuyên bố: “Tôi phải giỏi hơn Thành Cát Tư Hãn, giỏi hơn cả Gia Cát Lượng”, sẽ giúp “khách hàng giàu lên có số má và nhân viên đều có nhà, xe hơi”. Và rồi từ lời đường mật của Nguyễn Thái Luyện và hàng chục ngàn nhân viên của Luyện, Lĩnh, hàng chục dự án ma, hàng ngàn đất nền đã được hình thành, được bán và hàng ngàn tỉ đồng từ người dân đã đổ về Công ty này.
Vậy nhưng còn các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương ở đâu trong vụ án nói trên? Một tỉnh như Đồng Nai có đến 29 dự án bất động sản với gần 80 ha của Công ty địa ốc Alibaba tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Xuân Lộc. Và như Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Minh Đức khẳng định tất cả đều làm “lậu”. Rằng UBND tỉnh đã chỉ đạo các xã, huyện quản lý cắm bảng hiệu cảnh báo cho người dân biết phòng tránh…Còn nói như Chủ tịch UBND huyện Long Thành thì các dự án đều không làm hạ tầng, một số trường hợp đã bị xử lý hành chính về các hành vi tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, tự ý san ủi làm đường giao thông trên đất nông nghiệp; đã cưỡng chế, tháo dỡ các nhà văn phòng, hạ tầng không phép…Nói như vậy có nghĩa chính quyền các cấp đều biết, đều như đã làm hết trách nhiệm. Còn lỗi là do người dân, do sự thiếu hiểu biết, do lòng tham?
Theo quy định của pháp luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng…, địa phương phải công khai quy hoạch sử dụng đất hàng năm, dài hạn và chi tiết và các thông tin về đất đai để người dân được biết. Mọi vấn đề quy hoạch, dự án đều phải được đưa ra bàn thảo công khai. Không biết việc công khai đó được thực hiện đến đâu? Thực tế nhiều địa phương đã không công khai thông tin đất đai theo quy định, nhưng thực tế các dự án ma của Alibaba và dự án ma của các công ty ở các địa phương khác vẫn công khai dựng trên hiện trường, trên mạng xã hội đánh lừa người dân. Ngay việc phân lô, bán nền theo quy định chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, có giấy chứng nhận, đất phải có quy hoạch 1/500 được phê duyệt, có kết cầu hạ tầng…Thế nhưng việc mua bán trái pháp luật vẫn diễn ra. Lẽ nào các cấp chính quyền biết, biết rõ, nhưng lại vẫn chỉ “cảnh báo” người dân? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi hậu quả xảy ra?
Có một thực tế thì như Nguyễn Thái Luyện thừa nhận, chưa có ai vào ở trong các dự án của Alibaba. Nhưng cũng thực tế, nhiều khách hàng đã nộp gần đủ số tiền theo hợp đồng với Alibaba. Rồi đây, chưa nói đến lãi, số tiền của hàng chục ngàn gia đình người dân với hàng ngàn tỉ đồng khó có cơ thu hồi, trong khi đất đai bị đảo lộn trật tự trong quản lý, gây thất thoát, lãng phí. Trong vụ việc trên liệu có sự tiếp tay, đồng loã của cán bộ chính quyền?
Dư luận cho rằng cùng với việc xử lý hình sự về hành vi lừa đảo đối với các đối tượng trong việc dựng các dự án ma, để lừa đảo chiếm đoạt tiền của dân thì cũng cần truy trách nhiệm những kẻ tiếp tay, trách nhiệm cán bộ, chính quyền địa phương liên quan, những người đứng đầu để làm gương.