Sức khỏe

Không tự ý bỏ điều trị khi mắc viêm gan B mạn tính

Đức Trân 10/06/2024 10:56

Viêm gan B là một trong những nguy cơ chính dẫn đến ung thư gan. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp khi mắc viêm gan B lại tự ý bỏ điều trị, thậm chí là tìm đến các loại thuốc không rõ nguồn gốc dẫn tới hậu quả nặng nề.

bai-tren.jpg
Điều trị bệnh nhân mắc viêm gan B tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Ung thư gan là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc mới hàng năm cao nhất tại nước ta với hơn 26.000 trường hợp, cùng với đó, căn bệnh này dẫn đầu về số ca tử vong với hơn 25.000 ca mỗi năm. Chiếm 21% tổng số ca tử vong do ung thư.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia, phần lớn là do tỷ lệ người mắc virus viêm gan B và viêm gan C tại nước ta rất cao, đồng thời con số này vẫn không ngừng gia tăng.

PGS.TS Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – gan mật (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin: Hiện nay, tỷ lệ các bệnh về gan mật như ung thư gan, xơ gan và các biến chứng do xơ gan ngày càng tăng. Nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người mắc xơ gan, ung thư gan là do viêm gan virus B và C. Việt Nam nằm trong các quốc gia có tỷ lệ người mắc viêm gan virus B cao.

Hiện nay, ước tính 8-10% dân số, đồng nghĩa với việc có 8 đến 10 triệu người dân mang trong mình căn bệnh này. Tính chung về tỷ lệ mắc các loại viêm gan, Việt Nam cũng là một trong những nước cao nhất khu vực Đông Nam Á, ước tính khoảng 15-26% dân số.

Theo Hội Gan Mật Việt Nam, viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến toàn cầu do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B có thể chuyển sang mạn tính và gây hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan. Khả năng nhiễm virus viêm gan B gây nên nguy cơ để phát triển thành ung thư gan lên tới 100 lần.

Nguy hiểm hơn khi căn bệnh này còn được mang tên “kẻ giết người thầm lặng”, bởi đặc tính diễn biến âm thầm, kín đáo của nó. Thực tế cho thấy, rất nhiều người không hề biết mình nhiễm virus này trong một thời gian dài.

“Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau tức hạ sườn mới tìm đến bệnh viện khám. Khi đó gan đã tổn thương, khối u to và làm xét nghiệm đều dương tính virus viêm gan B, virus viêm gan C. Thậm chí, có gia đình có nhiều người cùng mắc ung thư gan do viêm gan virus B gây ra. Chúng tôi cũng gặp nhiều bệnh nhân ung thư gan không có triệu chứng nhưng đến viện thì đã ở giai đoạn rất nặng” - BS Long cho biết.

Một trường hợp điển hình, bệnh nhân Đ.H.K. (nam, 64 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải. Trước khi vào viện 1 tháng bệnh nhân đau bụng âm ỉ hạ sườn phải, không nôn, không sốt, không vàng da, không khó thở. Sau khi thực hiện các xét nghiệm có liên quan, các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan. Được biết, người bệnh có tiền sử mắc viêm gan B được phát hiện từ 20 năm trước nhưng không điều trị kháng virus.

Ngoài nguyên nhân phát hiện, điều trị muộn, một thực tế đáng lo ngại ở nước ta vẫn đang diễn ra, bất chấp khuyến cáo từ các chuyên gia y tế là người bệnh tự ý bỏ điều trị khi phát hiện mắc viêm gan B.

BS Nguyễn Quốc Phương - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) nêu thực trạng: Khi đã được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính, đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải sống chung với virus lâu dài, đến thời điểm hiện tại, bệnh này chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc quản lý, theo dõi và điều trị là hành trình kiên trì, bền bỉ. Tuy nhiên, đáng tiếc nhiều người được chẩn đoán mắc viêm gan B nhưng lại không tuân thủ điều trị. Một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ nên đã tự ý bỏ thuốc, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Hay có những bệnh nhân tìm đến thuốc đông y không rõ nguồn gốc, khiến hậu quả còn nặng nề hơn nữa do những chất nguy hiểm có trong những loại thuốc này.

Có tiền sử phát hiện mắc viêm gan B từ 10 năm trước nhưng không điều trị thường xuyên, khoảng 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân L.T.U. (nam, 59 tuổi) xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt tăng dần, ngứa toàn thân, đau tức âm ỉ hạ sườn phải, sút cân. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán xác định, bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc ung thư gan do sự phát triển mạnh mẽ của viêm gan B sau khi bỏ điều trị đã được ghi nhận tại các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước. Bởi lẽ, theo các chuyên gia, khi bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính tự ý bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp, thời gian càng dài thì nguy cơ bệnh chuyển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan càng cao.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần đi khám, xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virus viêm gan, từ đó được quản lý theo dõi và điều trị sớm, tránh biến chứng xơ gan, ung thư gan. Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con.

Những người bị viêm gan B cần phải theo dõi định kỳ từ 3 tới 6 tháng. Với các trường hợp viêm gan virus có xơ gan, thời gian khám sàng lọc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu để phát hiện các tổn thương ung thư gan sớm, từ đó giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh.

Thuốc điều trị viêm gan hiện nay đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân không phải lo lắng nhiều về giá thành điều trị. Điều quan trọng là phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan với sức khỏe, thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không tự ý bỏ điều trị khi mắc viêm gan B mạn tính