Kinh tế

Không “xé rào” vụ Hè Thu

NGUYÊN DU 03/04/2024 08:17

"Xé rào" xuống giống bất chấp khuyến cáo để rồi lúa chết vì hạn, mặn hoặc năng suất không cao, dẫn đến thua lỗ... là câu chuyện không mới nhưng nóng ở thời điểm hiện tại vì Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong cao điểm hạn mặn.

anhbaiduoi(1).jpg
Nông dân tranh thủ bơm đợt nước ngọt vào đồng ruộng. Ảnh: N.Du.

Đầu tháng 4 là thời điểm các tỉnh miền Tây kết thúc thu hoạch và tiến hành xuống giống vụ lúa Hè Thu 2024. Hiện nông dân tại vùng ngọt huyện Phước Long, Bạc Liêu đã thu hoạch gần xong hơn 13.000ha lúa Đông Xuân muộn với năng suất bình quân hơn 8 tấn/ha. Nhiều hộ thu hoạch xong lúa Đông Xuân muộn đang đốt đồng, cải tạo đồng ruộng chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu.

Cũng giống như Phước Long, tại một số địa phương khác, bà con nông dân cũng đang sốt sắng chuẩn bị cho vụ Hè Thu vì giá lúa so với những năm trước vẫn đang neo cao, nông dân đảm bảo lợi nhuận tốt.

Tuy nhiên, hiện ĐBSCL vẫn đang trong đợt cao điểm của hạn mặn, vì vậy để đảm bảo vụ Hè Thu không bị ảnh hưởng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) khuyến cáo nông dân tránh nôn nóng xuống giống sớm khi chưa đảm bảo các điều kiện.

Ông Trương Phước Hiền - Phó trưởng phòng NNPTNT huyện Phước Long cho biết, hiện phòng chức năng đang tập huấn các lớp kỹ thuật, khuyến cáo bà con không xuống giống Hè Thu sớm hơn lịch thời vụ do chưa đủ điều kiện. “Nếu xuống giống sớm lúa không chỉ bị ảnh hưởng do thiếu nước mà sâu bệnh cũng tấn công nhiều hơn, năng suất và chất lượng không đảm bảo” - ông Hiền chia sẻ.

Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho hay, căn cứ dự báo khí tượng thủy văn và điều kiện phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp thống nhất khung lịch thời vụ sản xuất lúa Hè Thu năm 2024 cho vùng Dự án Ngọt hóa từ ngày 25/4 - 25/5, sau khi mùa mưa chính thức bắt đầu. Có mưa xuống, nguồn nước ngọt dồi dào, diện tích đầu nguồn nước có thể xuống giống sớm hơn khung lịch thời vụ nêu trên, nhưng phải xuống giống đồng loạt tập trung và quản lý chặt chẽ sâu bệnh.

Để đảm bảo sản xuất lúa vụ Hè Thu năm nay an toàn, Sở NNPTNT đã đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chỉ xuống giống lúa khi có đủ nước ngọt. Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức tuyên truyền và quản lý chặt chẽ tránh để xảy ra tình trạng người dân nôn nóng xuống giống sớm khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, dẫn đến thiệt hại do phèn, thiếu nước đầu vụ.

Chỉ trong một thập kỷ qua, khu vực ĐBSCL đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng là các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 và 2023 - 2024. Theo nhận định của các chuyên gia, khu vực này có thể phải đối mặt với nhiều mùa hạn mặn khốc liệt như năm nay hoặc hơn thế nữa trong tương lai.

Theo ông Hoàng Văn Đại – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trước hết là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực ĐBSCL hầu như không mưa (hụt chuẩn từ 60 - 95%), ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi. Đồng thời, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, kết hợp với thời kỳ triều cường đã đẩy mặn vào sâu nội đồng.

Để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng mùa khô năm 2024 có khả năng ít mưa trái mùa, nguồn nước trên sông Mê Kông chảy về ĐBSCL thấp, cùng nhiều nguyên nhân khác, các bản tin cảnh báo, dự báo thường xuyên được phát đi; tham mưu cho địa phương bố trí mùa vụ cây trồng để tránh thiệt hại do vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không “xé rào” vụ Hè Thu