Quốc hội

Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội

Quang Vinh, Việt Thắng 30/11/2024 10:45

Ngày 30/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên với 96,24% ĐBQH tán thành.

Luật quy định: Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục họ ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật và các chuẩn mực đạo đức, lối sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới, có tác dụng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Trường hợp phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Bên cạnh đó, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

z6082806122205_0af102bbe10036ef21b102778a270e9b.jpg
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự án Luật (Ảnh: Quang Vinh)

Đặc biệt, án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội nếu thuộc trường hợp sau đây thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm như: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý.

Về bảo đảm giữ bí mật cá nhân, Luật quy định: Bí mật cá nhân của người chưa thành niên phải được tôn trọng, bảo vệ trong suốt quá trình tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, xử lý chuyển hướng, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng. Tòa án xét xử kín đối với vụ án hình sự có người chưa thành niên bị xâm hại tình dục hoặc trường hợp đặc biệt khác để bảo vệ người chưa thành niên. Trường hợp người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng tham gia tố tụng thì phải bố trí phòng cách ly hoặc các biện pháp bảo vệ khác.

Liên quan đến quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch, theo Luật thì người chưa thành niên là người bị buộc tội phải có người bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người chưa thành niên là người bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa theo quy định của pháp luật. Người chưa thành niên khi tham gia tố tụng hình sự được trợ giúp pháp lý và phiên dịch miễn phí.

Đáng chú ý, Luật cũng quy định, các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với người chưa thành niên trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên bị tạm giữ, tạm giam; nếu phát hiện không còn căn cứ hoặc không còn cần thiết tạm giữ, tạm giam thì phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

z6082829745576_34d5797014497cdbde420c1835db932f.jpg
Bà Lê Thị Nga giải trình trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm tính khả thi của một số biện pháp xử lý chuyển hướng.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để bảo đảm tính khả thi của các biện pháp xử lý chuyển hướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý và quy định chặt chẽ về từng biện pháp xử lý chuyển hướng từ Điều 40 đến Điều 51 của dự thảo Luật; quy định rõ hơn về nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, cũng như yêu cầu đặt ra đối với một số biện pháp xử lý chuyển hướng cụ thể nhằm bảo đảm việc triển khai trên thực tế được thuận lợi, hiệu quả, khả thi.

Liên quan đến việc có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình rằng: Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Khi xét xử người chưa thành niên về những tội này, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, Tòa án có 2 lựa chọn (hoặc là áp dụng hình phạt hoặc là áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng).

“Thể chế hóa Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, dự thảo Luật đã chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đó, khi phạm vào những tội nêu trên, người chưa thành niên vẫn chỉ có thể bị áp dụng hoặc là giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc là hình phạt và không được phép áp dụng xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng nên không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; nhưng nhân văn hơn hiện hành vì người chưa thành niên sẽ được áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng sớm hơn ngay từ giai đoạn điều tra, từ đó sẽ rút ngắn đáng kể thời hạn tạm giam, hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề”, bà Nga thông tin.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng nếu bổ sung thêm các trường hợp không được phép áp dụng xử lý chuyển hướng như ý kiến nêu trên thì sẽ làm tăng nặng hơn rất nhiều trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với hiện hành. Như vậy, sẽ không phù hợp với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đặt ra đối với quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Luật đó là căn bản không được làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên so với quy định hiện hành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quan điểm chỉ đạo này, và không bổ sung các trường hợp không được phép xử lý chuyển hướng mà gây bất lợi và làm nặng hơn trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với quy định của hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội