Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, Sở VHTTDL Lạng Sơn vừa tổ chức Hội thảo Khu di tích lịch sử Chi Lăng “Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”.
Tại hội thảo, quan điểm các nhà khoa học cho rằng với những “lợi thế” về thời gian với lịch sử lên tới hàng ngàn năm, không gian hầu hết các điểm di tích đều lộ thiên, Khu di tích Chi Lăng thực sự là điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Đặc biệt, nhiều nhà khoa học bày tỏ sự tiếc nuối với di tích Khảo cổ học hang Lạng Nắc gần như đã “ngủ quên” hàng thập kỷ kể từ khi được công nhận. Xung quanh di tích không có biển cắm, không có mốc khoanh vùng.
Cũng như nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác trên cả nước, Hang Lạng Nắc còn phải đối mặt với sự “can thiệp”, tàn phá bởi chính bàn tay con người. Theo phản ánh của người dân địa phương, những năm qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đá Thượng Thành đã tiến hành khai thác đá với quy mô không nhỏ. Hệ quả là không ít hang động xung quanh đã bị phá hủy, có những đỉnh núi đang đứng trước nguy cơ bị san phẳng, “đe dọa” trực tiếp đến hang Lạng Nắc…
TS Nguyễn Văn Cường- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đánh giá: “Hạn chế khiến Khu di tích Chi Lăng không thể phát huy hết vai trò của một điểm du lịch - lịch sử chính hạn chế về kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ di sản văn hóa trong huyện”.
Theo ông Cường, tấm biển giới thiệu “Ải Chi Lăng” mà khách du lịch có thể dễ dàng bắt gặp trên quốc lộ 1A qua huyện hoàn toàn sai về kiến thức, “phản lịch sử”. Thực tế, định danh “Ải Chi Lăng” là để chỉ một quần thể di tích bao gồm toàn bộ lòng chảo Chi Lăng dài hơn 20km chứ không phải một đoạn lũy ải.
Đồng quan điểm, theo GS.TS Trương Quốc Bình- Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng về cơ bản, tại khu di tích Chi Lăng hiện nay mới chỉ có các hạng mục chính đó là Nhà trưng bày và tượng đài Chiến thắng Chi Lăng. Nhìn chung công tác bảo tồn di sản tại đây là chưa tương xứng so với ý nghĩa lịch sử của khu di tích này. Do đó, các hoạt động trưng bày còn khá mờ nhạt, chưa gây được ấn tượng sâu sắc cũng như chưa chuyển tải, thể hiện được cốt lõi, bản chất, tầm vóc của sự kiện.
Trước những góp ý của các đại biểu, được biết trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Chi Lăng; đồng thời, phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, xác định nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo đồng thời phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với phát triển du lịch. Đồng thời việc bảo tồn khu di tích sẽ được gắn với mục tiêu phát triển bền vững, trong một dự án tổng thể.