Sau rất nhiều cuộc thương thuyết, mới đây Panama và Colombia đã đi đến thỏa thuận hành động chung nhằm thúc đẩy vấn đề di cư an toàn tại Darien Gap. Đây là khu rừng rậm chết chóc nhất thế giới đối với người di cư bất hợp pháp.
Rừng rậm Darien Gap nằm ở khu vực biên giới tự nhiên giữa hai nước Trung Mỹ là Panama và Colombia, nhiều năm qua đã là tuyến đường bộ của người di cư. Hiểm nguy luôn rình rập, kể cả mất mạng nhưng những người di cư tự do từ một số quốc gia trong khu vực vẫn chọn tuyến đường này, vì nó tương đối ngắn (khoảng hơn 90 km trong tổng số 265km của Darien Gap) so với đường biển và giá rẻ hơn nếu nếu tìm cách vào Mỹ qua ngả biên giới Mexico.
Số liệu của Bộ An ninh Panama cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, dòng người di cư bất hợp pháp mỗi ngày qua nước này trung bình 2.500 người. Tính chung 9 tháng của năm nay, con số đó vào khoảng 270.000 người. Trong đó, phần lớn là người mang quốc tịch Venezuela, Colombia, Ecuador và Haiti.
Vẫn theo đại diện Bộ An ninh Panama, từ đầu năm tới nay cơ quan này ghi nhận gần 200 trẻ em vượt rừng Darien Gap mà không có người thân đi cùng. Họ cũng đã phát hiện 47 thi thể không rõ danh tính.
Trên hành trình chết chóc đi qua Darien Gap, người di cư tự do không chỉ phải đối mặt với nguy cơ từ rắn độc, thú dữ, địa hình hiểm trở, mà họ còn là đối tượng tấn công của các băng nhóm tội phạm, đặc biệt là băng nhóm Clan del Golfo bên phía Colombia - cảnh sát biên giới Panama cho biết.
Từ lâu, khu rừng rậm này được cho là “hành lang chính” của người di cư tự do. Trong đoàn người lam lũ ấy, có nhiều thanh thiếu niên, trong đó 50% là những em nhỏ dưới 5 tuổi được người thân bồng bế theo. Bà Dana Graber Ladek, thuộc Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc tại Mexico cho biết, dù đã siết chặt kiểm soát nhưng chưa bao giờ dòng người di cư qua Darien Gap chấm dứt.
Truyền thông địa phương kể lại câu chuyện của Alexander Mercado (27 tuổi, người Venezuela). Sau khi mất việc, không thể sinh sống tại quê nhà, anh đã quyết định cùng vợ bế đứa con trai sơ sinh lên đường di cư. Vợ anh Mercado, chị Angelis Flores, 28 tuổi, nói: “Hãy tưởng tượng một người có mức thu nhập cả tháng cũng chỉ mua nổi 1 cân thịt bò, thì thật không thể có cách gì để sống. Vì thế, chúng tôi chấp nhận hiểm nguy khi băng qua khu rừng tử thần Darien Gap vì độ may rủi cũng như nhau”.
Còn người chồng nói: “Chúng tôi đã đi bộ xuyên rừng mà không rõ bao giờ sẽ ra khỏi nó. Nhiều người trong nhóm chúng tôi bị nhiễm bệnh do uống nước ô nhiễm trong đầm lầy. Đói khát, bệnh tât, cướp bóc và vô số nguy hiểm rình rập người di cư tại Darien Gap”.
Adam Isacson, nhà phân tích theo dõi tình trạng di cư tại Văn phòng Washington ở Mỹ Latinh, nói rằng không chỉ người di cư liều mình băng qua khu rừng này gặp phải nguy hiểm tự nhiên, mà họ còn phải lẩn tránh những nhóm cướp bóc có vũ trang. Chúng tước đoạt tiền bạc và tất cả những đồ cá nhân của người di cư nếu như những thứ đó có thể bán được. Trong trường hợp kháng cự thì nguy cơ bị đánh đập, thậm chí bị sát hại là khó tránh khỏi.
Jawaharlal - nhà báo tự do cho biết, trong vòng một tháng ròng đeo bám, ngày nào ông cũng gặp những nhóm người lang thang, kiệt quệ và xơ xác hướng vào khu rừng. Họ không hề quen biết, chẳng qua là số phận đẩy họ tới gần nhau. Tương lai mịt mù, những người này không còn cảm xúc để chia sẻ hoặc là giúp đỡ nhau. Nhiều đứa trẻ không đủ sức lê bước đã bị bỏ lại ngoài bìa rừng, phó mặc cho số phận.
Jawaharlal còn kể lại, chính ông đã có dịp tiếp xúc với một người tự xưng là Gilberto Torres Muneton, được cho là đối tượng bị truy nã do buôn ma túy, buôn lậu vũ khí, bắt cóc và đánh bom dọc biên giới Panama - Colombia. “Dưới danh nghĩa dẫn đường thuê, chúng sẵn sàng trở mặt lộ nguyên hình là lũ kẻ cướp. Số phận của những người di cư nghèo bất hợp pháp nằm trong tay chúng. Mỗi khi tuần cảnh biên giới Panama - Colombia xuất hiện, chúng nhanh chóng biến mất. Nhưng khi “bình yên” trở lại, chúng bỗng bất thần hiện ra không khác gì ác quỷ” - Jawaharlal nói và cho biết, cũng như những nhóm cướp có vũ trang khác, băng nhóm của Gilberto Torres Muneton còn buôn lậu ma túy.
Darien Gap là vùng đất bí ẩn với nhiều loài động thực vật kỳ lạ, là khu rừng với nhiều đầm lầy tách biệt thế giới bên ngoài. Chiếc cầu Yaviza được cho là lối vào duy nhất của khu rừng. Trong rừng không có đường mòn nên Piragua (một loại thuyền gỗ đơn sơ) trở thành phương tiện đi lại chính theo những dòng suối hoặc đầm lầy. Ngoài bìa rừng, có những ngôi nhà sàn của người bản địa, được gọi là Embera, với mục đích chống lại sự tấn công của động vật hoang dã và lũ lụt. Bậc thang trước nhà có thể nhấc lên và hạ xuống tùy lúc.
Người ta cho những người di cư bất hợp pháp thuê Embera với giá rẻ và rồi vĩnh biệt nhau mà không một lời chia tay.
Đầm lầy trong rừng rậm Darien Gap có nhiều loài ếch độc. Trong đó, Harlequin Toad chính là loài cực độc. Không may bị cắn, vết thương lập tức sưng tấy và nạn nhân sốt mê mệt nhiều ngày liền. Chưa hết, loài bọ cạp đen cũng là “hung thần” đối với người di cư. Bên cạnh đó còn có những đàn kiến lửa, những loài rắn, báo đốm, lợn rừng hung tợn và cả loài ruồi chuyên đẻ trứng làm tổ dưới da người.
Mà cũng không chỉ động vật, nhiều loại thực vật cũng là mối hiểm nguy. Chunga là tên gọi của loại cây phổ biến nhất trong rừng rậm Darien Gap. Chúng được bao phủ bởi những cái gai sắc nhọn, chứa đầy vi khuẩn gây nhiễm trùng nếu ai đó lỡ chạm vào...
Người ta thường biết đến “cửa ngõ” di cư đường bộ vào Mỹ qua ngả Mexico; hoặc là băng qua biển Địa Trung Hải để vào châu Âu. Nhưng trên thực tế, hiểm nguy đến với những người di cư bất hợp pháp khi băng qua rừng rậm, đầm lầy và những con sông chảy siết tại Darien Gap cũng hết sức ghê gớm.
Chính vì thế, việc mới đây Panama và Colombia đạt được thỏa thuận hành động chung, thúc đẩy vấn đề di cư an toàn tại rừng rậm Darien Gap - biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia, được cho là tín hiệu tích cực. “Ít nhất thì cũng làm giảm số người vô danh bỏ xác trong rừng và những đứa trẻ không còn bị chính cha mẹ chúng bỏ rơi trong một hành trình bất định” - nhà báo Jawaharlal nói.