Khúc mưa: Hàn gắn vết thương chiến tranh

Từ Khôi 03/05/2021 06:42

“Khúc mưa” là bộ phim về đề tài hậu chiến. Nói về nỗi đau, những mất mát thiệt thòi của một thế hệ người Việt ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Vượt qua bao trở ngại, nhất là trở ngại tâm lý, bệnh lý, những người thân trong một gia đình đã đoàn tụ.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (cầm giấy) và ê kíp sản xuất phim.

Khúc mưa là bộ phim truyện điện ảnh do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. Kịch bản phim do Trung tá, biên kịch Nguyễn Thu Dung viết, NSƯT Bùi Tuấn Dũng đạo diễn. Bộ phim chính thức hoàn thiện và giới thiệu trước công chúng dịp lễ 30/4 nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung nói về ý tưởng viết kịch bản như sau: 30/4 là ngày sum họp của những người cộng sản nhưng lại là ngày chia ly của những người “ngụy quân” phía bên kia. Những người Sài gòn di tản, vượt biên tị nạn trong thời kì cấm vận. Thế hệ người Việt trưởng thành sau 1975, họ có nỗi đau, bi kịch riêng, do lịch sử mang lại.

45 năm sau ngày thống nhất, khoảng thời gian đủ để có độ lùi nhìn lại, để nhận thức được rằng chiến tranh đã để lại những nỗi đau hằn sâu trên thân phận người Việt. Và nỗi đau đó cần phải được hóa giải, khép lại hận thù để hướng tới những giá trị nhân văn.

Cảnh mẹ con Tâm năm 1978 khi đi vùng kinh tế mới.

Khúc mưa là bộ phim kể về bi kịch gia đình của một quân nhân chế độ chính quyền Sài gòn. Tâm (sau này lớn lên có thêm tên gọi là Kevil do NSƯT Trương Minh Quốc Thái đóng) - một cậu bé 6 tuổi cùng cha vượt biên cuối năm 1978 gặp nạn trên biển. Cậu thoát chết nhưng cha cậu đã bỏ xác lại biển sâu. Mẹ cậu ở lại và kết hôn với một người khác, là cựu chiến binh, một cán bộ cách mạng. Kevil đem lòng thù hận mẹ. Chứng thù hận đầy áp đặt và bệnh hoạn. Những ám ảnh trong kí ức khiến Kevil sợ biển, anh mắc chứng bệnh tâm lý ám ảnh sợ - một chứng tâm thần nhẹ. Anh kết hôn mà chưa có con.

Hơn bốn chục năm sau, Kevil, giờ đã là một trung niên trưởng thành trở lại Việt Nam cùng vợ trong một kì nghỉ. Anh gặp lại mẹ trong một tình huống tưởng như tình cờ và sự thật lại hoàn toàn không giống với những gì Kevil vẫn ám ảnh trong kí ức của anh. Mai, vợ anh, cùng với ông Hai Lân, người cha dượng là bộ đội năm xưa đã ngầm giúp anh vượt qua nỗi sợ, chứng ám ảnh bệnh lý và cùng mẹ anh đoàn viên ngay tại bãi biển, nơi từng khiến anh sợ hãi kinh hoàng. Cùng lúc này một sinh linh, con của Kevil và Mai cũng hình thành.

Mối thù hận trong lòng Kevil được cởi bỏ. Sau bao năm lưu lạc, oán hận mẹ, giờ đây Kevil đã trở về bên mẹ và gia đình họ đoàn tụ trong niềm vui hạnh phúc.

Tâm và mẹ bàng hoàng nhận ra nhau.

NSƯT đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết: Khúc mưa nói về sự chia cắt và định kiến, về khoảng cách từ trái tim đến trái tim, về tình mẫu tử, về bi kịch gia đình của một thuyền nhân... Một câu chuyện của hiện tại nhưng có mâu thuẫn khởi nguồn từ sau chiến tranh.

Khác hẳn với lối kể trong các phim truyện điện ảnh từng thực hiện như Đường thư, Những người viết huyền thoại, Thầu Chín ở Xiêm, Bùi Tuấn Dũng đã dùng phương pháp “phản trần thuật”. Trong phim, hiện tại và quá khứ đan xen nhau không theo trình tự thời gian mà theo mạch cảm xúc. Mạch cảm xúc dần lật mở các bí mật nhằm lôi cuốn khán giả. Tạo ra một cách kể mới cho loại phim ít xung đột bên ngoài và nhiều xung đột nội tâm. Cao trào được đưa từ từ và dồn nén đến cùng mới bùng nổ.

Trong phim, hình ảnh chiếc xe đồ chơi được anh Lân bộ đội phục viên làm theo mẫu xe Gaz 63 để tặng Tâm lúc bé cho đến đến tấm ảnh người mẹ để trong ví của Kevil mà mỗi lần không làm chủ bản thân hoặc lên cơn điên, anh nhìn vào nó để kìm chế những cảm xúc mất kiểm soát.

Phim có câu chuyện nặng về tâm lý và chậm nhưng dùng nhiều phân đoạn đan xen để tăng tiết tấu và giữ nhịp kể cho phim. Hệ thống hình ảnh nhất quán bằng những cú máy dài, diễn xuất liền mạch, hạn chế cắt cảnh. Tuy nhiên, lại không có đại cảnh, trừ cảnh quay TPHCM thoáng qua, nên gợi cho người xem cảm giác không khác biệt mấy so với phim truyện truyền hình.

Và có một điều băn khoăn nhất đối với nhiều khán giả là tại sao các diễn viên là người miền Nam nhưng một bài hát sử dụng trong phim lại là hát văn? Còn bài vọng cổ Nam Bộ thì không có gì phải bàn.

Về tên phim Khúc mưa, theo nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung: Mưa thì hay gợi cảm giác buồn. Ở trong phim là nỗi buồn về sự chia cắt. Nhưng có lẽ nỗi buồn chỉ là một khúc trong quãng thời gian dài để hòa hợp, hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, hình ảnh mưa trong phim chưa gây được những “ép phê” cho khán giả. Trái lại hình ảnh biển lại gây chú ý cho khán giả hơn và là những tác nhân gây nên cảm giác sợ hãi cho nhân vật chính Kevil.

Qua Khúc mưa, thông điệp của phim muốn truyền tải tới khán giả là những hiểu lầm đã tạo ra bi kịch của một gia đình có xuất xứ từ chế độ cũ. Bộ phim muốn kêu gọi sự hòa giải, tinh thần đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về cội nguồn đất mẹ, Tổ quốc. Đồng thời bộ phim ca ngợi phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khúc mưa: Hàn gắn vết thương chiến tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO