Quốc tế

Khủng hoảng khí hậu đe dọa sức khỏe và sinh kế

Hà Anh 18/11/2023 11:21

Việc không hành động trước khủng hoảng khí hậu khiến con người phải trả giá do nhiệt độ cao gây mất an ninh lương thực và gia tăng các bệnh truyền nhiễm.

anh-bai-chinh-17-11.jpg
Một bé gái lấy nước từ sông Shebelle ở Gode, Ethiopia, trong đợt hạn hán tồi tệ nhất ở vùng Sừng châu Phi trong 40 năm. Nguồn: AFP.

Theo một báo cáo, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra hậu quả thảm khốc đối với sức khỏe và sự sống còn của hàng tỷ người trừ khi thế giới hành động để giảm tình trạng nóng lên toàn cầu. Báo cáo cảnh báo rằng, số ca tử vong liên quan đến nhiệt tăng vọt, vi khuẩn nguy hiểm đang lây lan dọc bờ biển và các nền kinh tế đang bị ảnh hưởng khi sản xuất lương thực bị thu hẹp.

Báo cáo thường niên lần thứ 8 về sức khỏe và biến đổi khí hậu của nhóm Lancet Countdown được đưa ra khi COP28 chuẩn bị tổ chức Ngày Sức khỏe đầu tiên, tập trung vào mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu và sức khỏe con người cho thấy, có rất ít sự chú ý đến các cảnh báo trong quá khứ. Và rằng, thế giới đang “đi sai hướng” khi tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Theo báo cáo, so với 3 thập kỷ trước, có thêm 127 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng vào năm 2021, khiến họ có nguy cơ suy dinh dưỡng và bị tổn hại sức khỏe không thể khắc phục. Các bệnh đe dọa tính mạng đang lan rộng, bao gồm sốt xuất huyết, sốt rét và virus tây sông Nile.

Nước biển ấm hơn đã dẫn đến sự lây lan của vi khuẩn Vibrio qua đường nước ở vùng ven biển với tốc độ thêm 329km mỗi năm kể từ năm 1982, khiến 1,4 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng vết thương nặng và nhiễm trùng máu. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm - trở nên tồi tệ hơn do sóng nhiệt - đang làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp và tim mạch, ung thư, tiểu đường, rối loạn thần kinh và kết quả thai kỳ bất lợi.

Những cái chết liên quan đến nhiệt ở những người trên 65 tuổi tăng 85% kể từ những năm 1990. Nếu không có sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, những cái chết như vậy sẽ tăng lên khi dân số tăng lên, nhưng chỉ ở mức 38%. Báo cáo cho biết, nhiệt độ toàn cầu cao nhất trong hơn 100.000 năm được ghi nhận vào năm 2023.

Ngay cả ở mức tăng nhiệt độ trung bình 10 năm hiện nay là 1,14 độ C so với mức tiền công nghiệp vẫn có tác động sâu sắc đến cuộc sống và sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo 114 chuyên gia từ 52 tổ chức nghiên cứu và cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ), những gì chúng ta đang thấy có thể chỉ là những triệu chứng ban đầu của thảm họa sắp xảy ra.

“Chương trình kiểm kê sức khỏe của chúng tôi cho thấy rằng, mối nguy hiểm ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đang gây ra thiệt hại về nhân mạng và sinh kế trên toàn thế giới” - Tiến sĩ Marina Romanello tại Đại học College London, Giám đốc điều hành Lancet Countdown, nói và cho biết, những dự đoán về một thế giới nóng hơn 2 độ C cho thấy một tương lai nguy hiểm và là một lời nhắc nhở nghiệt ngã rằng, tốc độ và quy mô của các nỗ lực giảm nhẹ cho đến nay vẫn chưa đủ để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mọi người.

Theo các chuyên gia, giá trị thiệt hại kinh tế do các hiện tượng thời tiết cực đoan ước tính khoảng 264 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn 23% so với giai đoạn 2010-2014.

Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera từng lưu ý rằng một loạt cơn bão nhiệt đới liên tiếp đã dẫn đến đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất trong lịch sử Malawi, ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người. Malawi được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và “việc củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng là điều tối quan trọng để chống chọi với các thảm họa liên quan đến khí hậu”.

Theo dự báo mới từ Diễn đàn Khí hậu dễ bị tổn thương của các quốc gia có nguy cơ cao nhất, nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, số ca tử vong liên quan đến nhiệt sẽ tăng 370% và số giờ làm việc bị mất sẽ tăng 50% vào giữa thế kỷ. Đến năm 2041- 2060, khoảng 525 triệu người có thể rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Tiến sĩ Georgiana Gordon-Strachan - Giám đốc trung tâm Lancet Countdown khu vực dành cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển - chỉ trích các quốc gia giàu có vi phạm cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với khủng hoảng khí hậu.

“Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chồng lên một cuộc khủng hoảng. Những người sống ở các nước nghèo hơn, những người thường ít chịu trách nhiệm nhất về phát thải khí nhà kính, đang phải gánh chịu nhiều tác động đến sức khỏe nhưng lại ít có khả năng tiếp cận nguồn vốn và năng lực kỹ thuật để thích ứng với những thảm họa thiên nhiên” – bà Gordon-Strachan nói.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số dấu hiệu tiến bộ. Tử vong do ô nhiễm không khí có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch đã giảm 16% kể từ năm 2005, với 80% mức giảm này là nhờ nỗ lực giảm ô nhiễm do đốt than. Đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch tăng 15% vào năm 2022 lên 1,6 nghìn tỷ USD, vượt mức đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch 61%. Năm 2022, 90% mức tăng trưởng công suất điện là nhờ năng lượng tái tạo.

Theo Tổng Thư ký LHQ António Guterres, không có lý do gì để trì hoãn khi chúng ta đang chứng kiến một thảm họa đối với con người đang diễn ra, sức khỏe và sinh kế của hàng tỷ người trên khắp thế giới bị đe dọa bởi nắng nóng kỷ lục, hạn hán diện rộng, mức độ đói nghèo, dịch bệnh truyền nhiễm, những cơn bão và lũ lụt chết người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng khí hậu đe dọa sức khỏe và sinh kế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO